Bộ Công Thương: Bán điện mặt trời mái nhà dư thừa sẽ 'vỡ quy hoạch'

Theo cơ quan quản lý, nếu bán điện mặt trời mái nhà dư thừa thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi.

Quy hoạch điện VIII ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân tiêu thụ tại chỗ, không bán điện. Ảnh: T.L.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là sản lượng điện mặt trời mái nhà nếu dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng, tức sẽ không được trả tiền.

Lý giải về đề xuất này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết Quy hoạch điện VIII đã quy định rõ ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Về mức giá, dự thảo lần này đưa ra quy định với hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có đấu nối và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” dư thừa phát lên lưới điện quốc gia.

"Sở dĩ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng là bởi Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia", cơ quan quản lý cho biết.

Việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

"Cũng chính bởi lý do này, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, thủ tục thực hiện đơn giản...", cơ quan quản lý cho hay.

Trong khi nếu phát triển điện mặt trời mái nhà không phải “tự sản tự tiêu” mà kinh doanh, mua bán thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... và một số quy định pháp luật chuyên ngành khác.

"Vì phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách... Do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách", đơn vị này phân tích.

Tại dự thảo, trường hợp không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không giới hạn về công suất lắp đặt. Trường hợp có đấu nối với lưới điện quốc gia, theo Quy hoạch điện VIII quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đến năm 2030 khoảng 2.600 MW trong cơ cấu nguồn đến năm 2030.

Theo Cục Điều tiết điện lực, Quy hoạch điện VIII giới hạn phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Điều này nhằm đảm bảo không vượt quá kế hoạch đã được phê duyệt, từ đó tránh tình trạng quá tải cho hệ thống phân phối và truyền tải điện.

Trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-cong-thuong-ban-dien-mat-troi-mai-nha-du-thua-se-vo-quy-hoach-post1473145.html