Bộ Công Thương cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo của giới đa cấp biến tướng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa thông báo cách nhận biết các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo. Theo Cục này, có thể tóm gọn trong 5 biểu hiện như quảng cáo sai về sản phẩm, hứa hẹn đủ đường về giấc mộng tỷ phú;...

Theo yêu cầu của nhiều nước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là phải chấp nhận hoạt động kinh doanh đa cấp. Chính vì vậy, ngay từ đầu những năm 2000, mô hình kinh doanh đa cấp đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực này.

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều loại hình đa cấp biến tướng đã phát triển rất mạnh, mọc lên đầy rẫy trên thị trường. Trong 10 năm gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan tới bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo nhà đầu tư đã bị phanh phui, như vụ việc MB24, Công ty CP Xuyên Việt, Liên kết Việt;...

Liên Kết Việt, trường hợp kinh doanh đa cấp biến tướng đầy tai tiếng tại Việt Nam.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn tồn tại. Tuy nhiên, cách thức hoạt động tinh vi hơn, như các sàn tiền điện tử, đầu tư Forex;... thu hút hàng nghìn người tham gia, huy động vốn bất chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết: Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật Việt Nam thừa nhận và Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý riêng để quản lý hoạt động này.

Các doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc đăng ký hoạt động không có nghĩa là doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động đúng pháp luật và kinh doanh chân chính.

Theo Cục Cạnh tranh, cách nhận biết các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo không khó, có thể tóm gọn trong 5 biểu hiện.

Thứ nhất là các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cung cấp thông tin không đúng sự thật về sản phẩm. Hình thức này phổ biến ở dạng quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có công dụng thần kỳ, chữa được các bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo.

Để tăng tính thuyết phục, nhiều doanh nghiệp bố trí người vào vai bệnh nhân để làm nhân chứng sống cho việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đã khỏi bệnh mặc dù bệnh viện không thể chữa khỏi.

“Tuy nhiên, thực tế sản phẩm của các doanh nghiệp này chỉ là các sản phẩm thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh”, Cục Cạnh tranh khẳng định.

Nhiều "trùm" đa cấp biến tướng đã phải trả giá.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cung cấp thông tin gian dối về cơ hội kinh doanh. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã đánh vào lòng tham của người tham gia bằng cách vẽ ra các viễn cảnh giàu sang với thu nhập rất cao, với những tài sản lớn và những chuyến du lịch sang trọng.

Để tạo lòng tin, các doanh nghiệp này tổ chức các sự kiện hoành tráng, tổ chức trao thưởng hàng trăm triệu đồng hay nhiều tỷ đồng cho các cá nhân.

Thứ ba, công ty đa cấp yêu cầu đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia. Sau khi mất tiền để tham gia, người tham gia tiếp tục mời gọi những người khác nộp tiền vào mà không mua bán sản phẩm gì, hoặc có sản phẩm nhưng sản phẩm không có giá trị.

Cứ như vậy, tiền được nộp vào hệ thống không dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mà chỉ nộp tiền khống, dùng tiền đó chi trả hoa hồng cho người vào trước.

Dạng thức này có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, có thể là yêu cầu đặt cọc một khoản với cam kết sau này sẽ trả lại; có thể yêu cầu nộp một khoản tiền với lý do mua tài liệu đào tạo, tham gia buổi tập huấn; có thể buộc mua một lượng hàng hóa kém chất lượng với giá rất cao với lý do sử dụng thử để trải nghiệm sản phẩm và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm.

Bản thân người bị dụ dỗ thường không nhận thức được bản chất của việc nộp tiền bởi họ được những người thân quen giới thiệu nên hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, sau đó khi không lấy lại được tiền hoặc không bán được sản phẩm thì họ mới nhận ra vấn đề.

Có những người chấp nhận bỏ cuộc và mất tiền. Cũng có người lại đi dụ dỗ, lôi kéo người thân, bạn bè tham gia để lấy lại số tiền mình đã mất. Cuối cùng, số nạn nhân ngày càng tăng cho đến khi không có thêm người tham gia và hệ thống sụp đổ.

Thứ tư, các công ty đa cấp cho người tham gia nhận tiền từ việc tuyển dụng người mới. Ở những doanh nghiệp này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung tuyển dụng, lôi kéo người mới tham gia. Để khuyến khích tuyển dụng, doanh nghiệp chi trả một khoản hoa hồng cho người tham gia khi người đó tuyển được một người mới.

Thứ năm, các công ty đa cấp biến tướng cho người tham gia đầu tư nhiều mã số, ký nhiều hợp đồng. Cụ thể,các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, người tham gia được khuyến khích đầu tư nhiều tiền, thông qua việc một người ký nhiều hợp đồng, tạo lập nhiều mã số trên hệ thống, mỗi mã số nộp một khoản tiền, hệ thống sẽ xếp các mã số để mã số trên được hưởng hoa hồng từ mã số phía dưới.

Theo cách này, khi mới gia nhập, người tham gia sẽ được nhận một khoản hoa hồng nhất định, thực chất là từ doanh số của các mã số tuyến dưới của chính mình.

Tuy nhiên, đến các kỳ tính thưởng tiếp theo, người đó sẽ không còn được hưởng hoa hồng gì nếu không đầu tư thêm tiền, bởi các mã số này đều là mã số ảo, không tự phát sinh được hoa hồng do không có hoạt động mua bán liên quan đến mã số đó.

Đây là cách thức được một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng để kêu gọi đầu tư vì người đầu tư bị thu hút bởi khoản hoa hồng ban đầu khi họ mới nộp tiền vào hệ thống mà không ý thức được việc khoản hoa hồng đó chỉ phát sinh một lần hoặc chỉ phát sinh khi họ đầu tư thêm tiền cho các mã số phía dưới.

Để tránh bị phát hiện, các doanh nghiệp này thường hướng dẫn, cho phép người tham gia mượn giấy tờ cá nhân của người thân quen để ký hợp đồng.

Bằng cách này, một người sẽ có thể đầu tư vào nhiều mã số, mỗi mã số gắn với một hợp đồng và một cá nhân khác nhau, tuy nhiên tiền sẽ do một người nộp và hoa hồng cũng chỉ trả cho một người.

“Trường hợp nhận thấy doanh nghiệp mình hợp tác có biểu hiện của bán hàng đa cấp bất chính như nêu trên, cần thu thập chứng cứ, thông báo với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giúp các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan một cách nghiêm minh, thích đáng”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-canh-bao-5-thu-doan-lua-dao-cua-gioi-da-cap-bien-tuong-post136171.html