Bộ Công thương cảnh báo nguy cơ thiếu điện do hàng loạt dự án chậm tiến độ

Theo Bộ Công Thương, cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do lượng tiêu thụ điện ngày càng tăng, đồng thời hàng loạt dự án điện lớn trên toàn quốc chậm tiến độ.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 do lượng tiêu thụ điện ngày càng tăng, đồng thời hàng loạt dự án điện lớn trên toàn quốc chậm tiến độ.

Trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ than, khí cho phát điện, nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 sẽ khá cao. (Ảnh minh họa)

Trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ than, khí cho phát điện, nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 sẽ khá cao. (Ảnh minh họa)

Nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung tuần qua khiến công suất tiêu thụ đầu nguồn toàn quốc đã đạt tới 38.147 MW vào khoảng 14h ngày 21/6.

Báo Tiền Phong đưa tin, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, đây là mức công suất kỷ lục trong lịch sử. Sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc của ngày 21/6 cũng ghi nhận số liệu cao kỷ lục ở mức 782,9 triệu kWh.

Sang ngày 22/6, công suất tiêu thụ toàn quốc giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao, khoảng 37.500 MW.

Riêng tại Hà Nội, lượng điện tiêu thụ cũng tăng đột biến ngày 22/6 với mức tiêu thụ kỷ lục hơn 82 triệu kWh. Các số liệu cũng cho thấy, tiêu thụ điện trên toàn thành phố trong tuần qua tăng 121% so với tháng 5.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh.

Các năm 2019 - 2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó các nhà máy điện than là 2.488 MW, thủy điện đạt 592 MW còn lại các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800MW.

Song trên thực tế, nhiệt điện chạy dầu vẫn phải huy động với sản lượng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh vào năm 2020.

Doanh nghiệp Việt Nam thông tin, theo Bộ Công Thương, các năm 2021 – 2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ than, khí cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Theo đó, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016-2030, dự kiến khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.200MW. Trong đó chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022.

Nguyên nhân chủ yếu khiến thiếu hụt điện đó là nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Cụ thể, dự án khí lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; Các dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030; Dự án Ô Môn 3 lùi tiến độ đến năm 2025. Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024 - 2025 sẽ trầm trọng hơn.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương tính đến việc khai thác thêm các mỏ khu vực Tây Nam Bộ để bổ sung khí cho cụm Nhiệt điện Cà Mau, đồng thời nghiên cứu và tính toán phương án để tăng cường việc mua điện từ Lào và Trung Quốc để bổ sung công suất cho hệ thống điện, đảm bảo việc cấp điện an toàn, ổn định cho kinh tế.

Bạch Hiền (t/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bo-cong-thuong-canh-bao-nguy-co-thieu-dien-do-hang-loat-du-an-cham-tien-do-a280923.html