Bộ Công Thương: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh

Dự án 'Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp' do Bộ Công Thương chủ trì đã có những tiếp cận mới, hướng doanh nghiệp tới chuyển đổi số hóa và sản xuất thông minh.

Hơn 500 mô hình điểm được hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng

Báo cáo tại Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đại diện Bộ Công Thương, ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp. Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp khá tích cực thực hiện các biện pháp để cải thiện kết quả hoạt động, từ hơn 60% tới hơn 80% thực hiện ba hoạt động đổi mới, bao gồm cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và sản xuất sản phẩm mới. Trong đó, cải tiến sản phẩm hiện chiếm tỷ lệ cao nhất do không phải đầu tư mới hoặc thay đổi nhiều như khi sản xuất sản phẩm mới.

Quy mô doanh nghiệp tỷ lệ thuận với tần suất thực hiện các hoạt động đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó hơn 80% doanh nghiệp quy mô lớn có tham gia vào một hoạt hoạt động đổi mới sản phẩm hoặc quy trình và gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất – kinh doanh; các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ con số này dao động từ 50% và 17-18%.

Đại diện Bộ Công Thương - ông Đào Trọng Cường báo cáo tại Hội nghị.

Đại diện Bộ Công Thương - ông Đào Trọng Cường báo cáo tại Hội nghị.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc thực hiện dự án cải tiến NSCL tại doanh nghiệp với 512 mô hình điểm đã được hỗ trợ, chiếm 62% kinh phí tổng dự án. Các mô hình điểm triển khai tại doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét là những ví dụ trực quan, sinh động và có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại của doanh nghiệp; đồng thời dần tạo ra sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác. Nhiều mô hình, doanh nghiệp điển hình đã được ghi nhận, vinh danh trong hoạt động cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cụ thể, với trường hợp của Công ty Tương lai, sau khi được hỗ trợ từ dự án đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Năng suất lao động tổng thể của công ty tăng 20% dựa trên thay đổi cách quản lý và các cải tiến cụ thể, riêng phân xưởng cao su, 1 công nhận vận hành 3 máy thay vì 1 công nhận vận hành 1 máy như trước, sản lượng trên đầu người tăng gấp 3. Hiệu suất thiết bị toàn phần (OEE) đạt được 785 – cao hơn mức trung bình so với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trước khi thực hiện dự án, Công ty có nhiều vấn đề nội bộ nhưng thường được giải quyết theo sự vụ và không có thống kê. Tuy nhiên nhiên sau khi triển khai dự án, các vấn đề chất lượng đã được giảm đáng kể, chỉ còn 1-2 vụ việc trên tháng.

Về hoạt động xây dựng TCVN, QCVN, Bộ Công Thương đã xây dựng được 155 TCVN, QCVN đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, hướng tới hoàn thành mục tiêu 100% hàng hóa nhóm 2 có QCVN khi kết thúc giai đoạn 2020.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai dự án, đại diện Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong các doanh nghiệp tham gia dự án nhưng chưa hình thành được phong trào năng suất trong ngành công nghiệp, bởi lẽ sự quan tâm, đặc biệt là duy trì hoạt động cải tiến của các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Thêm vào đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua chưa giải quyết được một cách toàn diện vấn đề cải tiến năng suất và nâng cao chất lượng của doanh nghiệp, chưa có được sự tham chiếu của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, mạng lưới đơn vị và chuyên gia tư vấn về QLCL, cải tiến NSCL còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực; rất ít tổ chức KHCN, tư vấn của ngành Công thương tham gia vào dự án.

Đẩy mạnh các hoạt động triển khai dự án theo định hướng đa chiều

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được năm 2019, trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống QCVN đối với hàng hóa nhóm 2, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động xây dựng mô hình điểm và dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật và HTQL, công cụ cải tiến cho các ngành chủ lực; đồng thời tăng cường năng lực quản lý nhà nước về NSCL.

Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Công Thương đặt mục tiêu 300 – 400 mô hình/doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và HTQL, công cụ cải tiến; 100% phòng thử nghiệm được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025:2017; 01 phòng thử nghiệm được đầu tư, tăng cường năng lực; xây dựng được 10 bộ tài liệu hướng dẫn kèm theo 15-20 buổi hội thảo chuyên sâu; 30-45 buổi tập huấn tập trung.

Các mô hình điểm triển khai tại doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, năng suất lao động tăng đáng kể.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án theo định hướng đa chiều. Theo đó, định hướng chiều rộng sẽ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức gắn với kết quả triển khai mô hình cải tiến, đa dạng hóa hình thức truyền thông; Phát động các cuộc thi về cải tiến và nâng cao NSCL, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; Phát triển, phổ biến áp dụng các công cụ tự đánh giá năng lực cải tiến tại doanh nghiệp và xây dựng tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá, công nhận các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp; Đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn cái tiến NS và QLCL chuyên sâu; Tiếp tục triển khai các mô hình điểm áp dụng công cụ, hệ thống cải tiển có tính chất nền tảng.

Về định hướng chiều sâu, Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong số hóa, tiếp cận sản xuất thông minh. Các định hướng triển khai được đưa ra bao gồm: tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai hoạt động cải tiến, nâng cao NSCL tại doanh nghiệp; kết hợp giữa giải pháp công nghệ quản trị với ứng dụng, đổi mới sản xuất, thiết bị tại doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong số hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thí điểm đầu tư chiều sâu kết hợp giữa giải pháp tư vấn cải tiến, đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp với đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phá triển và ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Với những định hướng bám sát mục tiêu tổng thể của Chương trình Quốc gia, dự án do Bộ Công Thương chủ trì được đánh giá là một trong những dự án sẽ tạo ra nhiều kết quả tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Vân Trang

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bo-cong-thuong-day-manh-ho-tro-doanh-nghiep-tiep-can-san-xuat-thong-minh-d167386.html