Bộ Công Thương: Định hướng xây dựng pháp luật đáp ứng hội nhập kinh tế

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cơ hội mới đối với thị trường xuất khẩu Việt Nam, nhưng cũng đang đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật trong nước hướng dẫn chi tiết thực hiện các cam kết trong các Hiệp định này. Do đó, cần nhanh chóng ban hành và cập nhật bổ sung những hướng dẫn và định hướng phát triển ngành nghề để tận dụng triệt để ưu đãi các FTA đã ký kết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trình bày về công tác xây dựng pháp luật của Bộ Công Thương tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật diễn ra sáng nay (24/10), Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, điểm nổi bật trong thời gian vừa qua đó là Việt Nam đã thành công trong việc đạt được cải cách thể chế và chính sách, tiến tới cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh và tìm ra cách thức để tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Đặc biệt, Việt Nam đã là thành viên của hai FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc tham gia các FTA này một mặt đem lại cho ta những lợi thế lớn trong việc mở cửa thị trường với các nước đối tác quan trọng, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xâm nhập thị trường thế giới.

“Việc tham gia các FTA này cũng là cơ sở quan trọng giúp ta hoàn thiện khung khổ pháp lý thể chế trong nước cho phù hợp với các cam kết của Hiệp định, từ đó tạo nền tảng pháp lý giúp doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ nhằm tận dụng hiệu quả các cam kết ưu đãi từ Hiệp định”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Cụ thể, để thực thi Hiệp định CPTPP, đến thời điểm hiện tại, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành 16 văn bản (gồm 2 Luật, 4 Nghị định, 9 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) để thực thi cam kết của Hiệp định CPTPP. Các văn bản này về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định và được các nước thành viên CPTPP ghi nhận và đánh giá cao.

Với Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực với Việt Nam và Liên minh châu Âu từ ngày 1/8/2020, đến nay, về cơ bản, các Bộ, ngành đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 3 Nghị định, 2 Quyết định và 1 Thông tư, đồng thời bãi bỏ 1 Quyết định) để nhằm hoàn thiện việc ban hành các văn bản pháp luật cần được ban hành ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, từ năm 2005 đến nay, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao triển khai xây dựng và thực thi các chính sách và pháp luật như: Soạn thảo, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một hệ thống pháp luật, chính sách quản lý về thương mại trong đó có Luật Thương mại 2005, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) năm 2018 và Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại thương của Việt Nam liên quan đến nắm bắt, định hướng thị trường xuất khẩu, thu thập, xử lý các thay đổi chính sách của các đối tác thương mại, phản ứng kịp thời trước các vụ tranh chấp quốc tế có ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì một số biện pháp, thủ tục mang tính chất hành chính phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với cam kết quốc tế nhằm bảo vệ trong ngắn hạn các doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian nâng cao hiệu suất kinh doanh, tái cơ cấu, cải thiện sức cạnh tranh khi tham gia thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng theo dõi, hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế ở nước ngoài mà Việt Nam là bị đơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng phân tích, chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật như: Vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Điều ước quốc tế; khó khăn trong việc xây dựng và thực thi văn bản quy phạm nội luật hóa vì phải phụ thuộc vào nghĩa vụ thực hiện cam kết của các nước thành viên khác; công tác cải cách hành chính chưa đạt được hiệu quả cao như mong đợi, tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành vẫn còn diễn ra… hay vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường trong các vụ việc nước ngoài điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Dự báo về xu hướng bảo hộ cực đoan và giải pháp

Dự báo về tình hình trong nước và quốc tế có khả năng tác động tới yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, trong thời gian gần trước mắt, xu hướng bảo hộ cực đoan sẽ tiếp tục phát triển ở một số quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế lớn và quan trọng với Việt Nam, trong đó có việc liên tiếp tiến hành điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu.

“Các FTA mang lại nhiều điều khoản ưu đãi thuế quan thúc đẩy quanhệ thương mại và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, điều này cũng mang lại nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại bao gồm cả lẩn tránh thuế hoặc hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng đột biến”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo đối với những cải cách của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cho đến nay, Cơ quan Phúc thẩm thuộc cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã chính thức dừng hoạt động do không đủ thành viên. Do đó, việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ thực thi các cam kết WTO của các Thành viên, đặc biệt là về lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Về giải pháp cho những thách thức nêu trên, Thứ trưởng cho rằng, Bộ Công Thương sẽ chủ động hoàn thiện các quy định liên quan tới công tác đào tạo và hỗ trợ cán bộ Thương vụ tại nước ngoài để chủ động dự báo và giải quyết các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như các hàng rào kỹ thuật bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để tham gia tích cực và hiệu quả vào các diễn đàn, hội nghị kinh tế quốc tế, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho các mục tiêu phát triển kinh tế-chính trị và nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam.

Đồng thời, cần nhanh chóng ban hành và cập nhật bổ sung những hướng dẫn và định hướng phát triển ngành nghề để tận dụng triệt để ưu đãi của CPTPP, trong đó chú trọng tới việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các quy chuẩn hàng hóa để nhận được ưu đãi thuế quan như nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trong sản phẩm nông nghiệp…; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường EU cho các đối tượng có liên quan (đặc biệt là cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp,...).

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-dinh-huong-xay-dung-phap-luat-dap-ung-hoi-nhap-kinh-te/415003.vgp