Bộ Công Thương đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang 'vượt dịch' thành công

Trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid -19, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất hiệu quả của Bộ Công Thương.

Ông Phạm Công Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Năm 2021, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương Bắc Giang đã triển khai các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?

Năm 2021, đối diện với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, Sở Công Thương Bắc Giang - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại (nay là Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất) - đã kịp thời tham mưu BCĐ nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Giai đoạn đầu, BCĐ tập trung cao hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp; khi tình hình dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, BCĐ kịp thời điều chỉnh phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa bàn các huyện, thành phố, bao gồm cả doanh nghiệp vừa nhỏ. Nội dung hỗ trợ tập trung vào: tháo gỡ khó khăn về lao động; nơi lưu trú; lưu thông hàng hóa; tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; đảm bảo an ninh trật tự để doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và kịp thời tổ chức xử lý tình huống...

Ông Phạm Công Toản – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

Ông Phạm Công Toản – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải để doanh nghiệp có thể tuyển dụng mới, đón lao động quay trở lại làm việc ở các địa bàn xa Khu công nghiệp; tổ chức các Sàn giao dịch việc làm lưu động và trực tuyến, thực hiện các giải pháp từ bảo vệ vùng sản xuất đến xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ nông sản thuận lợi, lưu thông ổn định.

Đến nay, có thể nói, các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung diễn ra thuận lợi, đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, số doanh nghiệp và lao động tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhiều hơn so thời điểm trước dịch Covid -19.

Nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid -19, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố và các Sở Công Thương. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Bộ Công Thương?

Trong giai đoạn Bắc Giang cũng như các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do dịch bệnh Covid -19, tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất hiệu quả của Bộ Công Thương, giúp hoạt động công nghiệp và thương mại của tỉnh sớm khôi phục.

Trong đó, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các khu, cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước; khuyến nghị các doanh nghiệp điều tiết hợp lý việc sản xuất ôxy phục vụ công nghiệp sang sản xuất ôxy y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…; đề xuất Chính phủ giảm giá điện, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và người dân

Thực hiện vai trò, chức năng của Bộ Công Thương, Bộ thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban; xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực thuộc Bộ phụ trách và đề xuất các giải pháp để các tỉnh, thành phố xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (do Bộ Công Thương là cơ quan thường trực) đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hỗ trợ các sản phẩm nông sản; tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm bán bổ sung thay thế các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa do dịch bệnh…; Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế…

Nhờ đó, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Bắc Giang luôn đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh của người dân, kể cả giai đoạn dịch bùng phát căng thẳng nhất.

Bắc Giang có một mùa vải thiều thắng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Cùng với cả nước, đến nay, các hoạt động công nghiệp và thương mại tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Ông có kiến nghị, đề xuất gì để sản xuất công nghiệp và thương mại đạt hiệu quả cao hơn?

Kết thúc tháng 4, phần lớn các ngành sản xuất của Bắc Giang bắt đầu có tăng trưởng, trong đó các ngành chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 4 tháng của tỉnh đạt 11,80 tỷ USD, tăng 13,8%.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại và công nghiệp trên địa bàn Bắc Giang vẫn còn gặp một số khó khăn như: giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao (xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi), công tác giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng Cụm công nghiệp còn vướng mắc.

Tuy nhiên, do thực hiện chính sách “Zero Covid”, phía Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch dẫn tới tần suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu lớn tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh bị chậm hơn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Để hoạt động công nghiệp và thương mại được thuận lợi hơn trong thời gian tới, bên cạnh sự chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của địa phương, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao cho các tỉnh, thành phố được tự quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với các Cụm công nghiệp có diện tích sử dụng đất lúa từ trên 10ha đến 75ha phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu của người dân.

Đặc biệt, hỗ trợ Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng ở thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng; kết nối các doanh nghiệp, đối tác có kinh nghiệm, công nghệ và thế mạnh trong lĩnh vực chế biến nông-lâm sản đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Bắc Giang.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Lan Anh- Hoàng Mai (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dong-hanh-cung-tinh-bac-giang-vuot-dich-thanh-cong-177665.html