Bộ Công Thương: Hỗ trợ kết nối cung-cầu

Bộ Công Thương tới đây sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho doanh nghiệp (DN); tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh Chương trình DN sử dụng sản phẩm của nhau… để nâng cao chất lượng Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (CVĐ).

Bước sang năm thứ 11 triển khai thực hiện, CVĐ đã chứng minh sự đúng đắn về chủ trương của Đảng, sự thống nhất, đồng thuận của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc triển khai. Kết quả tổng kết 10 năm triển khai CVĐ ở các cấp đều khẳng định, đây là một trong những giải pháp quan trọng, huy động được sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong việc phát huy nội lực, đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2009, giữ vững ổn định và không ngừng phát triển những năm tiếp theo.

Hàng Việt ở các hệ thống siêu thị duy trì ở mức cao

Góp phần vào thành công chung của CVĐ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp như: Kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài… Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do tác động từ tình hình dịch Covid-19, hiệu quả của CVĐ ngày càng rõ nét. Chương trình DN sử dụng sản phẩm của nhau đã giúp DN giảm bớt nỗi lo thiếu nguyên, phụ liệu cho sản xuất. Hay sự chung sức của các nhà phân phối trong nước giúp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân…

Đơn cử, những tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho hay: May 10 đã đẩy mạnh tìm nhà cung cấp trong nước thay thế các nhà cung cấp tại Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh. Tổng công ty cũng liên lạc với tất cả các khách hàng phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc và yêu cầu khách hàng cho phép May 10 đặt hàng nguyên liệu tại các nhà cung cấp ở Việt Nam để đảm bảo đơn hàng. Giải pháp này đã giúp DN chủ động được nguồn nguyên liệu, duy trì sản xuất và xuất khẩu sản phẩm.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả CVĐ, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động kích thích tiêu dùng nội địa thông qua Tháng Khuyến mại 2020, đồng thời phối hợp với các địa phương, DN phân phối tổ chức các chương trình quảng bá, nhằm xúc tiến nông sản địa phương vào các kênh phân phối. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Dịch Covid-19 cũng cho thấy, xu hướng phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành nghề sản xuất Việt Nam đang làm cơ cấu kinh tế bị mất cân đối, đòi hỏi nhà nước cần có các chính sách quan tâm, ưu đãi đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước. Cùng với đó, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa để thúc đẩy DN trong nước trở thành lực lượng mua sắm hàng Việt chủ lực.

Để làm được điều này, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô xuống thấp hơn, hoặc bằng so với thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước… Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi, nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực này…

Những giải pháp kết nối cung-cầu Bộ Công Thương triển khai thời gian qua đã giúp tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, như: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%). Tại các kênh bán lẻ truyền thống, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ho-tro-ket-noi-cung-cau-140050.html