Bộ Công Thương: Kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 239 tỷ USD

Với nhiều kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/10 tại Hà Nội do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì, hai vấn đề nóng của ngành là xuất khẩu đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra, cán cân thương mại đạt mức thặng dư cao, với con số 5,39 tỷ USD và tăng biện pháp quản lý nhập khẩu máy đào tiền ảo.

Quy mô xuất khẩu tiếp tục mở rộng

Theo ông Hải, tính đến hết tháng Chín, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đơn cử, điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch đạt 36,13 tỷ USD. Ngoài ra, hàng dệt, may đạt 22,56 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,65 tỷ USD...

Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong 9 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6% trong khi năm 2016 xuất khẩu tăng 5,5% và năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.

Với những kết quả trên, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.

Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6% và nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Kiến nghị áp mã HS máy đào tiền ảo

Liên quan đến việc nhập khẩu máy đào tiền ảo, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau quá trình nghiên cứu, các bộ, ngành về cơ bản nhất trí với việc áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu đối với máy xử lý dữ liệu tự động dùng để đào tiền ảo.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng cũng còn nhiều ý kiến khác về việc áp mã số HS [mã số dùng để phân loại hàng hóa nhập khẩu trên thế giới-pv] mà cụ thể là sự phong phú, đa dạng trong hoạt động khai thác tiền ảo và quy định về quản lý trong nước. Việc ngừng nhập khẩu, trong khi Bộ Tài chính chưa xác định được cụ thể mã HS với mặt hàng cần quản lý là chưa phù hợp với khoản 4, Điều 5, Luật Quản lý ngoại thương.

Theo đó, "hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hóa của danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan."

Cũng theo đại diện Cục xuất nhập khẩu, các loại máy, thiết bị dùng đào tiền ảo là mặt hàng đa dụng, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau tùy người dùng. Do đó, việc ngừng nhập khẩu sẽ gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng thiết bị.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp quản lý trong nước đối với các loại tiền ảo cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo.

"Bộ Công Thương đánh giá, biện pháp tạm ngừng nhập khẩu nếu được áp dụng sẽ không đảm bảo được hiệu quả, không đạt được mục tiêu quản lý do sự đa dạng của các loại thiết bị đào tiền ảo," đại diện Cục xuất nhập khẩu thông tin thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bo-cong-thuong-kim-ngach-xuat-khau-ca-nam-co-the-dat-239-ty-usd/530370.vnp