Bộ Công thương muốn cứu Nhiệt điện Thái Bình 2?

Bộ Công thương thừa nhận PVC không có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than nhưng vẫn giao, giờ lại muốn giải cứu...

Bộ Công thương vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí (PVN) nhằm giải cứu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang đói vốn, chậm tiến độ.

Theo Bộ Công thương, dự án này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và những yếu kém này do nguyên nhân cơ bản là Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than. Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.

Bình luận về đề nghị giải cứu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của Bộ Công thương, một số chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Công thương lại muốn giải cứu dự án này?

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương chỉ ra hai điều ông cảm thấy khó hiểu.

Thứ nhất, tại sao các cơ quan có trách nhiệm lại phát triển nhiều dự án nhà máy nhiệt điện than trong khi xu hướng của thế giới là phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo? Chẳng hạn: 14 dự án nhiệt điện than tại Đồng bằng sông Cửu Long, dự án nhiệt điện than tại Thái Bình và một số địa phương khác.

"Những vấn đề này, trong quyết định đưa ra phát triển nhiệt điện, rõ ràng đã không hợp lý. Khi không hợp lý về chủ trương ban đầu thì khâu chọn nhà thầu cũng không hợp lý, vì vậy dẫn đến các trục trặc trong quá trình triển khai dự án", PGS.TS Phạm Tất Thắng đánh giá.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn ngổn ngang. Ảnh: VietNamNet

Điểm thứ hai khiến vị chuyên gia khó hiểu đó là Bộ Công thương thừa nhận PVC không có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than nhưng tại sao ban đầu lại vẫn cứ chọn đơn vị này.

"Đây là điều khó hiểu và tôi không rõ trong này có điều gì ẩn khuất hay không?", ông bày tỏ.

Trong khi đó, cũng bày tỏ quan điểm về việc Bộ Công thương đề nghị giải cứu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, trước đây Bộ Công thương biết PVC không đủ năng lực nhưng vẫn giao cho làm tổng thầu dự án, bây giờ Bộ Công thương kiến nghị giải cứu dự án này, theo ông Sính, cũng là một điều khó hiểu.

"Tôi không hiểu đây là câu chuyện của doanh nghiệp hay của Bộ Công thương? PVN làm chủ đầu tư dự án này, mà đã là doanh nghiệp thì lời ăn lỗ chịu, tại sao Bộ Công thương là đơn vị quản lý lại tham gia vào? Sự tham gia ấy dựa trên nguyên tắc nào? Doanh nghiệp tư nhân khi làm ăn thất bát phải tự chịu, làm gì có ai đứng ra cứu họ?", Phó Giám đốc GreenID đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Trần Đình Sính, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tiến độ tổng thể dự án tính đến tháng 10/2018 đạt 82,78% trong khi nhiều thiết bị chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo.

Việc xem xét có giải cứu dự án hay không và giải cứu như thế nào, theo vị chuyên gia, cần tính toán xem nếu làm tiếp dự án thì mất bao nhiêu tiền và nếu dừng thì mất bao nhiêu tiền? Bên cạnh đó, việc này cũng liên quan đến quy hoạch điện. Cho đến nay, Quy hoạch Điện VIII sắp được xây dựng, vì thế, việc đánh giá lại nhiệt điện than cùng với các loại hình năng lượng khác cần xem xét tất cả các mặt chính trị, kinh tế, kỹ thuật, môi trường...

Trong phần tổng hợp ý kiến Đoàn công tác liên ngành về kiến nghị của PVN, Bộ Công thương nêu rõ: PVN kiến nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án.

Bộ Công thương nêu ý kiến của đoàn kiểm tra liên ngành rằng: Đây là nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại PVN cần được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét. PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn sử dụng, mục đích sử dụng cụ thể cho dự án và có đánh giá tổng thể liên quan tới dự án cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.

Với kiến nghị của PVN cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020 (tổ máy số 1) và tháng 10/2020 (tổ máy số 2), Bộ Công thương cho biết: Việc điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của người quyết định đầu tư là Hội đồng thành viên PVN. Đồng thời, PVN cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.

Với kiến nghị cho phép miễn phạt hợp đồng do chậm tiến độ, Bộ Công thương “đề nghị PVN báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Ngoài ra, nhiều kiến nghị khác của PVN cũng được Bộ Công thương dẫn lại ý kiến Đoàn công tác liên ngành và nêu rõ “báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét”.

Với căn cứ kiến nghị của PVN đối với dự án và ý kiến của Đoàn công tác liên ngành, Bộ Công thương nêu quan điểm, trong trường hợp PVC tiếp tục được giao thực hiện dự án, Bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ chủ động cân đối tiến độ vận hành nhà máy trong quy hoạch điện VII sang tháng 6 và tháng 10/2020.

Bên cạnh đó, giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu Ocean Bank, trong đó ưu tiên sớm xử lý các khoản tiền gửi theo kiến nghị của PVN.

Bộ Công thương cũng kiến nghị: Giao Bộ Tài chính sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định việc gia hạn khoản vay nước ngoài của dự án; kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính của PVN, PVC để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-cong-thuong-muon-cuu-nhiet-dien-thai-binh-2-3372254/