Bộ Công Thương: Năm 2024 không thiếu điện

'Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, sự chủ động của Bộ Công Thương, chúng tôi có đủ cơ sở tin tưởng trong năm 2024 không lặp lại tình trạng thiếu điện như năm ngoái. Và không chỉ trong năm 2024 mà còn các năm tiếp theo sẽ đủ điện'.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã khẳng định như vậy tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều ngày 29-4.

Bộ Công Thương thông tin về tình hình cung ứng điện trong mùa hè tới

Tại họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên đề cập đến lo ngại thiếu điện trong mùa hè tới, có tình trạng một địa phương phía Bắc đã lập danh sách cắt giảm phụ tải, sự cố tổ máy trong nhà máy nhiệt điện xuất hiện….

Trực tiếp trả lời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá năm ngoái mất điện cục bộ là sự cố đáng tiếc. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã quan tâm và có chỉ đạo triển khai thực hiện khắc phục tình trạng này.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương việc đầu tiên là phải trực tiếp giám sát tham gia điều hành và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện, Bộ Công Thương vẫn đang thực hiện.

Thêm vào đó, có sự đổi mới lập kế hoạch điều hành, điều độ điện trong thời gian tới. Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng, Thứ trưởng Công Thương thông tin cơ quan này chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, cung cấp đủ nhiên liệu khí, than phục vụ sản xuất điện.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương ban hành kế hoạch riêng để thực hiện cung ứng điện cho các tháng mùa khô từ tháng 4 tới tháng 7. Trên cơ sở đó rà soát hằng tháng và cuối quý I phải tiến hành họp bàn về cung cấp điện.

"Dù có những lo ngại nhưng với các giải pháp đang triển khai, chúng tôi có đủ cơ sở tin tưởng trong năm 2024 không lặp lại tình trạng thiếu điện như năm ngoái. Và không chỉ trong năm 2024 mà còn các năm tiếp theo sẽ đảm bảo đủ điện" - Thứ trưởng Công Thương khẳng định.

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Cục Điều tiết điện lực nêu một loạt giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới như: Đẩy nhanh tiến độ Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài; đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện; tăng cường giám sát nhà máy điện; điều tiết hợp lý nhà máy thủy điện; tăng cường công tác rà soát hành lang tuyến đường dây điện, hạn chế cao nhất nguy cơ xảy ra sự cố điện; tăng cường công tác tiết kiệm điện.

Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Vụ, Cục liên quan của Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn làm việc với đơn vị phát điện, truyền tải phân phối điện.

Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thêm về Quyết định 05 thay thế Quyết định 24 Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó có nhiều điểm mới như rút ngắn thời gian điều chỉnh tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Cụ thể, đại diện Cục Điều tiết Điện lực thông tin, rút ngắn không có nghĩa là 3 tháng sẽ thay đổi giá điện một lần, mà sẽ tùy thuộc kết quả tính toán chi phí giá điện bình quân, tình hình kinh tế vĩ mô. Việc rút ngắn chu kỳ nhằm không dồn tích quá nhiều, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

"Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò trong điều hành giá điện, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để vận hành thị trường năng lượng nói chung. Hằng năm, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện và công khai để nhân dân và cơ quan báo chí giám sát" - đại diện Cục Điều tiết điện lực khẳng định.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-cong-thuong-nam-2024-khong-thieu-dien-196240329145618624.htm