Bộ Công Thương thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nông sản vùng có dịch

Thông tin về công tác tiêu thụ nông sản của các vùng có dịch, Bộ Công Thương hôm nay (22-2), cho biết đã chỉ đạo các sở công thương kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Người dân Hà Nội chung tay tiêu thụ nông sản từ Hải Dương.

Để hỗ trợ, tiêu thụ nông sản cho nông dân ở các vùng có dịch tại Hải Dương, ngày 18-2, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 873/BCT-TTTN chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Trong công văn trên, Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch.

Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 16-2, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị Big C và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần. MM Mega Market Việt Nam đã có văn bản cam kết ngày 18-2 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới. Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kinh nghiệm (Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Quảng Nam…) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện, đã có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và các tỉnh giáp ranh.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp xử lý.

Cụ thể, Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.

Đối với Bộ Giao thông Vận tải, có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông, lâm, thủy sản bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông, lâm, thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông, lâm, thủy sản.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/991798/bo-cong-thuong-thuc-day-luu-thong-hang-hoa-nong-san-vung-co-dich