Bộ Công Thương tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023

Chiều ngày 15/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023

Đến dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ; bà Trần Tú Anh - Phó Văn phòng Ban cán sự Đảng; ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; đại diện Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban cán sự Đảng, Công đoàn Bộ Công Thương; đại diện các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ và đại diện một số tổ chức quốc tế có hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương.

Năm học 2022 - 2023 vừa qua, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn, thách thức, song các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc Bộ Công Thương đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và hướng dẫn của ngành chuyên môn, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ năm học và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng mừng: Tuyển sinh đạt kết quả cao; ngành nghề đào đạo tiếp tục được mở rộng; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt; chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng lên, gắn kết hơn với nhu cầu xã hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương.

Năm học mới 2023 - 2024 đang diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với giải trình; tiếp tục đổi mới đồng bộ cả về nội dung, chương trình và phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, lấy người học làm trung tâm, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tổng kết công tác đào tạo bồi dưỡng năm 2023 và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023

Năm học 2022 - 2023, dịch Covid - 19 cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang trong đà phục hồi kinh tế. Các cơ sở giáo dục đào tạo đã chủ động chuyển đổi trạng thái hoạt động, tổ chức dạy và học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác linh hoạt theo từng thời điểm, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của các cơ sở giáo dục ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo.

Các trường đã sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong tổ chức giảng dạy kết hợp online- offline, đảm bảo được cơ bản tiến độ, kế hoạch tuyển sinh, giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trong năm học qua.

Đại biểu theo dõi clip tổng kết hoạt động của các cơ sở đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2022 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 - 2024

Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh và phân cấp, phân luồng trong giáo dục hiện nay, hoạt động tuyển sinh của các trường duy trì kết quả tốt, cụ thể tuyển sinh đại học đạt 96%, cao đẳng đạt 87%, trung cấp đạt 96,5% kế hoạch đã đề ra.

Quy mô đào tạo các năm gần đây tương đối ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, mở mới kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; bước đầu hình thành các ngành thế mạnh đặc thù tại một số trường để khẳng định thương hiệu.

Nội dung chương trình đào tạo gắn kết hơn với yêu cầu công việc thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo; năng động tìm kiếm và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều khâu trong quá trình đào tạo (từ tuyển sinh đến tuyển dụng). Các trường liên tục nâng cấp chương trình, giáo trình tiếp cận chất lượng của các nước tiên tiến; chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định trường, kiểm định chương trình theo các tiêu chuẩn quốc tế thể hiện bước đi đúng đắn của các trường khi tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực không biên giới, đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm sáng với 336.781 công trình do giáo viên và sinh viên các trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế 1797 bài đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các trường trực thuộc Bộ trong hệ thống các cơ sở đào tạo.

Việc sắp xếp, sáp nhập các trường được triển khai từng bước thận trọng, các trường sau sáp nhập cơ bản đã đi vào ổn định. Chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên được cải thiện với 22% có trình độ tiến sĩ, số lượng giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy và học theo mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới.

Các trường tự chủ hoàn toàn đã từng bước thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; linh hoạt và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, liên kết, hợp tác doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học,…

Ước tính hơn 207 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước) được các trường dành cho quỹ hỗ trợ sinh viên nhằm kịp thời động viên học sinh, sinh viên học tập khá giỏi, thuộc đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn bên cạnh nhiều hoạt động khác hỗ trợ địa phương và xã hội trong phòng, chống dịch.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các đơn vị đã cùng thảo luận về phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 cho các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương và đề xuất các giải pháp để các trường có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Đại diện KOSEN Nhật Bản, ông Nakano đã có những chia sẻ về kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương và KOSEN Nhật Bản sau 5 năm triển khai

Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh tham luận nội dung Xây dựng thư viện số

Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp tham luận nội dung Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tham luận nội dung Mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với thị trường lao động quốc tế

Cũng tại Hội nghị, các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua "dạy tốt - học tốt" năm học 2022 - 2023 đã được nhận cờ thi đua và bằng khen của Bộ Công Thương.

Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Nguyễn Anh Tuấn trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua "dạy tốt - học tốt" năm học 2022 - 2023

Đại diện các đơn vị đào tạo nhận bằng khen của Bộ Công Thương

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/bo-cong-thuong-tong-ket-cong-tac-dao-tao-boi-duong-nam-2023-114934.htm