Bộ Công Thương từ chối trả lời tăng giá điện

(HQ Online)- Hàng loạt vấn đề nóng như tăng giá điện, giá xăng, thu gom đỉa của thương lái nước ngoài, kiểm soát cá tầm nhập lậu… đã được đặt ra trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 5-8.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 5-8. (Ảnh: P.T)

Câu trả lời mà các phóng viên nhận được từ Bộ Công Thương quá “chung chung”, nếu không muốn nói là “trả lời như chưa trả lời”. Thậm chí, những câu hỏi về việc tăng giá điện lần này như lấy ý kiến người dân, lợi nhuận thu về của ngành điện trong lần tăng giá ngày 1-8, giá điện Việt Nam so với các nước trong khu vực… đã bị Bộ Công Thương từ chối trả lời.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, việc tăng giá điện đã được đề cập trong buổi họp báo Chính phủ vào ngày 30-7. Tiếp đó ngày 1-8, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường trả lời trên Đài truyền hình Việt Nam; ngày 3-8, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã trả lời trên Đài truyền hình Việt Nam. Mới đây nhất, trên chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 4-8, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã tham gia trả lời về vấn đề tăng giá điện.

Giá xăng tăng giảm theo Nghị định 84

Trả lời cho câu hỏi, có thông tin giá xăng dầu đang giảm, Vụ Thị trường trong nước có theo dõi diễn biến này thế nào, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong cuối tháng 7, giá xăng dầu thế giới giảm so với trước đó nhưng quyết định tăng giảm giá phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày, đồng thời phụ thuộc vào các yếu tố khác như thuế nhập khẩu, việc trích quỹ bình ổn giá.

“Việc tăng giảm giá xăng đều căn cứ vào quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Nếu thời gian tới giá thế giới tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá theo quy định”, ông Chiến khẳng định.

Nói về tiến độ xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84, ông Chiến cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo lần 5 và lấy ý kiến của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương). Dự kiến, đầu tuần tới, Bộ Công Thương sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ. Do vậy, thời hạn trình Chính phủ trong tháng 9 không thay đổi.

Đã quản chặt việc thu gom nông sản (?)

Nói về tình trạng thu gom nông sản của thương nhân nước ngoài, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiện nay, có tình trạng thương lái có đại diện thương mại tại Việt Nam thu mua một số mặt hàng nông sản tại thị trường Việt Nam như mua cua ở Cà Mau, mua dứa ở Vĩnh Long, vải thiều ở Bắc Giang… Bộ Công Thương đã có chương trình rà soát, tuyên truyền phổ biến cũng như kiểm soát hoạt động thương lái thu mua ở Việt Nam.

“Nếu thu mua bất hợp pháp, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để chấm dứt tình trạng đó. Hiện, tình trạng thu mua dần được quản lý, các địa phương quản lý công tác này rất chặt chẽ”, bà Thoa khẳng định.

Tuy nhiên, câu trả lời này của Thứ trưởng Bộ Công Thương dường như không thuyết phục, chưa đúng với thực tế đang diễn ra là, thương lái Trung Quốc đang ồ ạt tạo “cơn sốt ảo” bằng việc thu mua đỉa ở Việt Nam với giá khá cao, từ mức giá khởi điểm 200.000 đồng/kg lên tới tận 750.000 đồng/kg.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-cong-thuong-tu-choi-tra-loi-tang-gia-dien.aspx