Bộ cùm chân trong nhà tù chế độ thực dân

Chúng tôi gặp ông Phan Đình Nhân, nguyên Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Thăng Long-Hà Nội, con trai cả của cố Thượng tướng Đinh Đức Thiện (tên thật là Phan Đình Dinh), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam nhân dịp ông trao nhiều hiện vật tặng bảo tàng. Cầm trên tay bộ cùm chân bằng sắt đã hoen gỉ, ông nghẹn ngào nói: 'Đây là bộ cùm chân mà thực dân Pháp sử dụng để giam cầm bố tôi tại Nhà tù Hỏa Lò'.

Bộ cùm chân mà thực dân Pháp dùng để cùm chân đồng chí Đinh Đức Thiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Thượng tướng Đinh Đức Thiện sinh năm 1913 tại xã Nam Vân, huyện Nam Ninh (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định), tỉnh Nam Định. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Nam Định nhưng không đủ căn cứ buộc tội nên được trả tự do năm 1931. Ra tù, ông vào Sài Gòn làm công nhân và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1936, Đinh Đức Thiện hoạt động trong Hội Ái hữu và tham gia phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1940, ông bị bắt giam lần thứ hai tại nhà tù Nam Định, sau đó đưa về Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1943, ông ra tù. Dù bị chính quyền thực dân thắt chặt quản lý, đồng chí Đinh Đức Thiện vẫn tìm cách xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông đã quay lại xà lim Nhà tù Hỏa Lò lấy bộ cùm chân mà thực dân Pháp từng cùm chân ông và tới Nhà tù Côn Đảo để lấy hai bộ cùm chân giam cầm anh trai của ông là Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) và em trai ông là Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống), nhằm lưu giữ kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và người thân trong gia đình.

Ông Phan Đình Nhân kể: "Bố tôi thường dặn dò các con, cháu, để có được hòa bình, thống nhất đất nước như hôm nay, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, gia đình mình nhiều người đã chịu tù đày và trải qua các trận chiến đấu, nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Bố tôi mong các con, cháu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, có ý chí kiên cường, không khuất phục trước khó khăn, giữ vững lý tưởng, nỗ lực cống hiến vì dân tộc, vì đất nước". Tiếp nhận kỷ vật bộ cùm chân từng giam cầm đồng chí Đinh Đức Thiện, Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam cho biết: “Bộ cùm chân này cùng với nhiều hiện vật chiến tranh được lưu giữ tại bảo tàng có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay”.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bo-cum-chan-trong-nha-tu-che-do-thuc-dan-609945