Bố Đại tá Phạm Giang Nam tự hào con theo nghiệp cha

Gạt giọt nước mắt cắt ruột gan, bố Đại tá Nam tự hào ông sinh ra Đại tá khi ông đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tưởng ông hi sinh nên đơn vị có giấy báo tử chuyển về gia đình.

Đại tá lớn nhanh như “Thánh Gióng”

Nói về sự ra đi đột ngột của con trai, ông Phạm Văn Mỹ (bố đẻ Đại tá Phạm Giang Nam) nghẹn ngào: Từ ngày lọt lòng, Đại tá Nam đã chịu thiệt thòi khi thiếu vắng sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ cha bởi khi đó bản thân ông Mỹ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

"Ngày thằng Nam chào đời, tôi không có mặt bên cạnh để an ủi, động viên vợ, nhìn mặt con. Khi thằng Nam được hai tuổi cũng là lúc gia đình nhận được tin báo tử, tôi đã hi sinh trong chiến trường miền Nam. Lúc này, gia đình âm thầm giấu không cho mẹ tôi biết vì sợ bà không thể qua khỏi cú sốc quá lớn. Đến khi thằng Nam được 6 tuổi cũng là lúc kết thúc hoàn toàn chiến tranh, tôi trở về địa phương trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Đặc biệt, vợ và con tôi lúc đó vô cùng mừng rỡ” - ông Mỹ nghẹn ngào kể lại.

Cha mẹ Đại tá Phạm Giang Nam

Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, ông Mỹ tiếp lời: Từ ngày mới 6 tuổi, Đại tá Nam đã có những phẩm chất đặc biệt. Lúc đẻ, Đại tá Nam được 4,1kg, đến khi 6 tuổi mà nhìn nó chẳng khác gì đứa trẻ 11 hoặc 12 tuổi...

Thời đấy còn khó khăn, vất vả, Đại tá Nam còn đi làm thợ lặn để bắt cá lo bữa ăn cho gia đình. “Đặc biệt, nó có thể nặn dưới nước sâu được khoảng 2 phút. Khi thằng Nam đang học lớp 10 (lúc đó đại tá Nam 16 tuổi - PV) thì có một đơn vị không quân về trường tuyển quân để đào tạo học lái máy bay, với điều kiện cao từ 1m65 và nặng từ 58kg trở lên. Thằng Nam đã đủ tiêu chuẩn vòng đầu của đợt tuyển quân này” - ông Mỹ kể.

Sau nhiều lần khám tuyển, kiểm tra sức khỏe cũng như tư chất, học lực, cuối cùng Nam đã trúng tuyển vào lớp đào tạo phi công lái máy bay và học ở trường Thiếu sinh quân.

“Sau khi học ở Hà Nội hai năm và học tiếp trong Nha Trang (Khánh Hòa), thằng Nam được phong quân hàm Trung úy đầu tiên. Khi chưa có gia đình nó vào tập lái và lái máy bay ở sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa). Khi lên đến Đại úy rồi Thiếu tá thì Nam lập gia đình..." - ông Mỹ kể về những cột mốc thăng quân hàm của con trai.

Ông Mỹ kể tiếp: Trong những lần về thăm gia đình, Đại tá Nam kể, Nam đã có hơn 20 năm gắn liền với những chuyến bay. Đại tá Nam đã cất cánh từ sân bay Tân Sân Nhất (TP. Hồ Chí Minh), sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa), sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Thời điểm lái may bay ở khu vực sân bay Phù Cát (Bình Định) là khó khăn, vất vả nhất. Bởi thời tiết tại đây rất nắng nóng, chỉ cần ngồi lên ghế lái, điều khiển máy bay bay lượn trên bầu trời khoảng 30 - 40 phút là người ướt đẫm mồ hôi. “Biết công việc lái máy bay của con trai nhiều vất vả, nguy hiểm, vợ chồng tôi nhiều lúc rất lo lắng, nhưng nó luôn tìm cách để động viên gia đình, bố mẹ yên tâm”, ông Mỹ nghẹn ngào.

"Mất mát này đối với gia đình tôi là quá lớn. Dù cho đó là số phận, nhưng thằng Nam vẫn mãi là người con, chiến sỹ, người quân nhân đáng tự hào của gia đình”, giọng ông Mỹ nghẹn chặt.

Chiều nay, Đại tá Nam về với đất mẹ

Trước đó, vào khoảng 12h ngày 26/7, trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu, máy bay phản lực Su-22U, số hiệu 8558 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân đã bất ngờ gặp nạn rơi ở địa phận thôn dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vụ việc đã khiến 2 phi công thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng (SN 1978, trí tại phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) và Thượng tá Phạm Giang Nam - Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921 (SN 1972 trú tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) hy sinh.

Thi hài Đại tá Phạm Giang Nam đã được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Hà Nội vào ngày 28/7.

Trước sự hi sinh của 2 chiến sĩ, ngày 27/7, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan đối với 2 đồng chí phi công của Trung đoàn không quân 921. Theo đó đồng chí Phạm Giang Nam truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng tá lên Đại tá, đồng chí Khuất Mạnh Trí truy thăng quân hàm sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá.

Cũng trong ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 919/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng: Đại tá Phạm Giang Nam và Thượng tá Khuất Mạnh Trí.

Sáng 28/7, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ viếng, Lễ Truy điệu đồng chí Thượng tá phi công Khuất Mạnh Trí và đồng chí Đại tá phi công Phạm Giang Nam tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Tại quê nhà, đồng đội và người thân đang tổ chức lễ tang, lễ an táng Đại tá Phạm Giang Nam

Vào 14h chiều nay thi hài Đại tá nam sẽ được

an táng tại nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Chiều ngày 28/7, linh cữu của 2 phi công đã được đưa về đài hóa thân Văn Điển (Hà Nội) để làm thủ tục hỏa táng. Sau đó, thể theo nguyện vọng của gia đình, di cốt hai liệt sĩ sẽ được đưa về án táng tại quê nhà.

14h chiều nay (29/7), tang lễ Đại tá Phạm Giang Nam sẽ được tổ chức theo phong tục, tập quán của địa phương và an táng tại nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đình Quế

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bo-dai-ta-pham-giang-nam-tu-hao-con-theo-nghiep-cha-post21063.html