Bỏ đâm trâu tại chỗ, Hội voi Buôn Đôn xẻ thịt trâu ở nơi khác

Nghi thức đâm trâu sẽ không được tái hiện tại Hội voi Buôn Đôn. Tuy nhiên, trong lễ vật để cúng vẫn phải có đầu, đuôi và các bộ phận khác của con trâu. Song thay vì đâm trâu và làm thịt trâu tại chỗ để lấy lễ vật dâng Yàng thì con trâu được dùng làm vật tế lễ sẽ được làm thịt trước ở một nơi khác.

Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn (gọi tắt là Hội voi Buôn Đôn, Đăk Lắk) đã quyết định bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ cúng thần linh (cúng Yàng). Người dân tiếc nuối nhưng ủng hộ quyết định này.

Trước những thông tin trái chiều về nghi thức đâm trâu trong các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Ban Tổ chức Hội voi Buôn Đôn đã quyết định không tổ chức nghi thức này trong lễ cúng Yàng. Thông tin này được ông Vũ Minh Thoại, trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn, cho biết hôm 29.2. Theo ông Thoại, Hội voi Buôn Đôn sẽ được diễn ra vào ngày 12- 14.3 tới, bao gồm 3 phần là: Phần Lễ, phần Hội và phần tổ chức các sinh hoạt văn hóa.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Khối - Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Chương trình Lễ hội đua voi tại Buôn Đôn các nghi lễ sẽ được tiến hành như các năm trước riêng trong lễ hội nghi thức đâm trâu sẽ được thực hiện theo Thông tư 15 của Bộ VHTT&DL tức sẽ không tiến hành đâm trâu vì không nhân nhân đạo và gây sự phản cảm cho du khách. Thay vào đó bằng các nghi thức mô phỏng, tượng trưng”. Lễ hội đua voi tại Buôn Đôn được tiến hành theo thông lệ 2 năm 1 lần vào các năm chẵn và đây là lần đầu tiên bỏ nghi thức đâm trâu.

Phần Lễ sẽ tái hiện các lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là: cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, ăn trâu mừng mùa (đâm trâu) và lễ cúng sức khỏe cho voi và tắm voi sau khi kết thúc các hoạt động của voi tại Lễ hội. Phần Hội bao gồm 4 hoạt động là: Hội trại, Hội voi, Hội thi văn hóa ẩm thực và Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ, nhạc cụ các dân tộc và trình diễn thời trang truyền thống.

Trong đó, trong lễ mừng mùa, nghi thức đâm trâu sẽ không được tái hiện. Tuy nhiên, trong lễ vật để cúng vẫn phải có đầu, đuôi và các bộ phận khác của con trâu. Song thay vì đâm trâu và làm thịt trâu tại chỗ để lấy lễ vật dâng Yàng thì con trâu được dùng làm vật tế lễ sẽ được làm thịt trước ở một nơi khác. Ông Thoại cho biết, ban đầu, sự thay đổi này của Ban tổ chức đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Song sau thời gian thuyết phục và phân tích người dân địa phương đều đã đồng thuận với phương án này.

Ông Y Thư Buôn Yă (75 tuổi, ở Buôn Đôn, xã Krông Na- nơi sẽ tổ chức Hội voi Buôn Đôn) cho biết, thực chất sau giải phóng, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nghi thức ăn trâu của đồng bào ở địa phương không được tổ chức. Chỉ từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nghi thức này mới được chính quyền địa phương tái hiện lại. “Việc bỏ qua nghi thức ăn trâu trong lễ mừng mùa nhiều người dân cũng rất tiếc nhưng thực chất cũng không ảnh hưởng gì, tất cả người dân trong buôn chúng tôi đều đồng ý với cách làm này của huyện”- ông Y Thư Buôn Yă nói.

Nghi thức ăn trâu bị tái hiện sai và hiểu sai

Cũng theo ông Y Thư Buôn Yă, trên thực tế, nghi thức ăn trâu trong các lễ cúng lớn của đồng bào Ê Đê trước đây được thực hiện hết sức bình thường chứ không dã man như đồng bào một số dân tộc khác ở Bắc Tây Nguyên. Theo đó, trong quá trình làm lễ con trâu tế Yàng sẽ bị đâm một nhát (hoặc chỉ vài ba nhát) rồi làm thịt lấy đầu, đuôi, nội tạng để hiến tế chứ không chặt, đâm nhiều nhát cho đến chết như một số nơi.

Cây nêu, nơi sẽ tổ chức lễ ăn trâu mừng mùa trong Hội voi Buôn Đôn sắp tới.

Bà Linh Nga Niê K’dăm, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cũng khẳng định người Ê Đê không có “lễ đâm trâu” hay “lễ ăn trâu” mà chỉ có nghi thức ăn trâu (b/ong kbao). Đây là một nghi thức, một phần của một lễ cúng nào đó của đồng bào.

Nghi lễ này chỉ được thực hiện trong các lễ cúng lớn. Tuy nhiên nghi lễ này không phải thực hiện việc giết trâu giữa “thanh thiên bạch nhật” như một số nơi đã tái hiện lại mà được thực hiện lúc trời tối và việc đâm trâu cũng chỉ đơn giản như việc làm thịt trâu để lấy lễ vật cúng Yàng.

Riêng đối với một số đồng bào các dân tộc như M’Nông, Ja Rai, Xê Đăng... thì nghi thức đâm trâu trong các lễ cúng lớn là có thật. Nhưng trước khi đâm trâu, chủ lễ phải cúng xin phép trâu và cả thần linh để được làm việc đó.

“Nhiều ý kiến cho rằng nghi thức đâm trâu thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhưng thực chất nó không phải thế. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nghi lễ này đơn giản chỉ là muốn dâng lên thần linh lễ vật cao quý nhất để được thần linh ban lại cho những điều mà chủ lễ mong muốn mà thôi”- bà Linh Nga Niê K’dăm cho biết.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/bo-dam-trau-tai-cho-hoi-voi-buon-don-xe-thit-trau-o-noi-khac-664036.html