Bỏ dần tư duy 'buôn chuyến'

Tại Hội nghị 'Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới' ngày 14.2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, doanh nghiệp, người dân nên bỏ dần tư duy 'buôn chuyến' và chuyển từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ và các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để hai bên có thể đồng hành bền vững, lâu dài.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương Tô Ngọc Sơn cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, trong đó có nông sản. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hoa quả sang Trung Quốc chiếm 45,38% tổng lượng hoa quả xuất khẩu của Việt Nam; đặc biệt vải thiều chiếm tới 90%, thanh long hơn 80%.

Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Sơn nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc và giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Tại Quảng Tây, trái cây là sản phẩm được chú trọng nhất, bởi tỉnh có nhiều cửa khẩu thông quan từ Việt Nam sang.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết trong quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc, hai bên đã phối hợp ký kết và triển khai nhiều nghị định thư liên quan đến kiểm dịch thực vật. Cụ thể, các sản phẩm đã ký nghị định thư gồm: gạo; cám gạo; măng cụt; thạch đen; sầu riêng; chuối (truyền thống) và khoai lang. Các sản phẩm đang đàm phán để ký Nghị định thư là: dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm. Còn ớt, chanh leo đang được hướng dẫn xuất khẩu tạm thời. Hiện bưởi, các loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa đang đang đàm phán kỹ thuật. Na, thảo quả đã nộp hồ sơ.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Hiện tại, thị trường này kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Nước này cũng liên tục tăng cường thực thi pháp luật nhằm đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp.

Đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc Lỗ Siêu cho biết, Lệnh 248 và 249 nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý nông sản nhập khẩu vào nước này, không riêng Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp phải đăng ký nguồn gốc xuất xứ, điều kiện nhà xưởng, điều kiện nguồn nước, quy trình chế biến nông sản, trái cây... Doanh nghiệp có mã xuất khẩu vẫn phải hậu kiểm trực tuyến qua video với sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp hai nước có thể truy cập trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét mặt hàng nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có bảo đảm của doanh nghiệp Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội nghị
Nguồn: Báo nông nghiệp

Tận dụng cơ chế hợp tác để tháo gỡ khó khăn

Nhấn mạnh thông điệp Chính phủ Việt Nam luôn đề cao thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Về phía nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng Hoan bày tỏ.

Nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động giao thương với Trung Quốc, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30.6.2023. Đồng thời, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP; bảo đảm các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và thực địa. Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, cần có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng vùng nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế với thị trường tỷ dân thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật; xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/bo-dan-tu-duy-buon-chuyen-i316223/