Bỏ đèn đỏ, giao thông Hà Nội sẽ hết ùn tắc?

KTS. Phạm Văn Tiệp đề xuất ý tưởng bỏ tín hiệu đèn đỏ, tổ chức lại giao thông để kéo giảm ùn tắc ở Hà Nội. Giải pháp này có khả thi?

Lời tòa soạn: Ùn tắc giao thông luôn là bài toán khó với chính quyền đô thị. Ám ảnh ùn tắc khiến người dân ngao ngán, gây hệ lụy tới kinh tế, đặc biệt là an sinh và du lịch. Cùng trăn trở với cơ quan quản lý, có những người đã bỏ thời gian, công sức nhiều năm để nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức lại giao thông ở Hà Nội.

Chúng tôi xin giới thiệu một đề xuất của KTS Phạm Văn Tiệp, người cách đây 6 năm từng đạt giải trong cuộc thi Diễn đàn chống ùn tắc đô thị do Báo Giao thông tổ chức. Phóng viên Giao thông đã cùng KTS Phạm Văn Tiệp đi thực tế, ghi nhận bằng loạt bài và phóng sự truyền hình tại các nút giao do ông Tiệp đề xuất thí điểm tổ chức lại giao thông.

Các ý kiến phản biện hoặc đồng thuận với đề xuất của KTS Phạm Văn Tiệp cũng như đề xuất thêm phương án tháo gỡ vấn nạn ùn tắc giao thông cho Hà Nội xin gửi về hộp thư bandoc@baogiaothong.vn. Chúng tôi tin rằng, tâm huyết, trí tuệ của người dân sẽ luôn được chính quyền thành phố trân trọng, lắng nghe.

Không sử dụng đèn đỏ ở các nút giao

Nút giao Trung Văn - Tố Hữu không còn cảnh ken kín phương tiện, giao thông ngộp thở như trước (Chụp giờ cao điểm lúc 17h20 ngày 29/3)

Thời gian qua, số lượng phương tiện gia tăng rất nhanh, đặc biệt tại Hà Nội khiến mạng lưới giao thông bị quá tải. Điều này khiến hệ thống đèn tín hiệu giao thông và cách tổ chức phân luồng phương tiện hiện nay không còn phù hợp.

KTS. Phạm Văn Tiệp cho rằng, tín hiệu đèn đỏ đã chặn luồng phương tiện với mật độ dày đặc, hình thành điểm nút ùn tắc.

Tại các nút giao, việc phân làn rẽ trái làm kéo dài thời gian dừng chờ đèn đỏ của phương tiện ở các làn khác. Các nút giao chưa phân làn rẽ trái thì phương tiện rẽ trái gây xung đột, tắc nghẽn.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Tiệp đề xuất giải pháp “giao diện mềm” nhằm giảm ùn tắc giao thông trong đô thị, hay nói cách khác là không sử dụng đèn đỏ ở các nút giao tại phần lớn các tuyến đường và tổ chức phân luồng lại cho phương tiện.

“Giải pháp này sẽ tạo ra những tuyến đường xuyên tâm thông suốt, phương tiện tham gia được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện tại”, ông Tiệp cho hay.

Giải pháp “Giao diện mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông trong đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” của KTS. Phạm Văn Tiệp đã được đăng ký bản quyền vào tháng 8/2007.

Theo tác giả, giải pháp của ông đưa ra các loại giao diện: Ngã ba, ngã tư gồm một đường chính giao cắt với một đường phụ, ngã tư gồm hai, ba đường chính giao cắt với hai hoặc một đường phụ, cầu vượt đường bộ, đường một chiều nghịch và khu vực giao thông đặc thù.

Dựa vào đó để xác định các đường ưu tiên, bố trí và phân lại luồng trên 8 tuyến giao thông trọng điểm, giảm bớt các nút đèn tín hiệu không cần thiết và các khu vực giao thông đặc thù.

Để thực hiện giải pháp này phải đảm bảo làm cầu đi bộ trên cao, dựng biển chỉ dẫn cụ thể tại các giao cắt, giải tỏa các nút thắt cổ chai.

Trong lưu thông tại khu vực giao diện mềm, ưu tiên các phương tiện rẽ trái, cấm các phương tiện dừng đỗ tại khu vực quay đầu, cấm các phương tiện dừng đỗ tại khu vực giao diện mềm trong giờ cao điểm.

“Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện ùn tắc từ cuối năm 2005 và hoàn thành năm 2008. Các cơ quan chức năng cho rằng, ý thức giao thông là quan trọng, nhưng tôi lại cho rằng, cách tổ chức giao thông mới là quyết định”, ông Tiệp nói.

Hà Nội nên nghiên cứu kỹ để giảm đèn tín hiệu

Thực tế, gần hai năm nay, Hà Nội cũng đang áp dụng tổ chức lại giao thông tại một số điểm nóng ùn tắc theo cách thức này. Trong đó, Hà Nội bỏ đèn đỏ tại ngã tư Tố Hữu - Trung Văn (Nam Từ Liêm) và lắp dải phân cách cứng trên cung đường từ Khuất Duy Tiến về khu đô thị Nam Cường.

Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày Sở GTVT Hà Nội bỏ cụm đèn tín hiệu ở đây, người tham gia giao thông rút ngắn được 3 - 4 lượt chờ đèn, tương đương 20 - 30 phút”, chị Nga chia sẻ.

Tương tự, tại nút giao Trường Chinh - Láng dù có hệ thống đường giao thông 2 tầng, bề mặt đường rộng tới hơn 50m nhưng phải đến lần tổ chức lại giao thông lần thứ 4, Hà Nội mới giảm nhiệt được ùn tắc khi nhận ra bất cập do đèn tín hiệu.

Sau đó, Đội đèn thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội điều chỉnh hệ thống đèn xanh từ gần 100 xuống còn gần 10 giây, giờ cao điểm đèn được để xanh liên tục.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, thực tế ở Hà Nội đang bố trí hệ thống đèn tín hiệu quá dày, có tới 633 nút giao lắp đặt. Lưu thông đến ngã ba, ngã tư nào, người dân đa phần đều phải dừng chờ đèn tín hiệu.

“Hà Nội nên khảo sát nghiên cứu để giảm bớt số lượng đèn, tất nhiên đi kèm là các giải pháp đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông khi bỏ”, ông Đức nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, đơn vị sẽ đề xuất với liên ngành về ý tưởng đề xuất bỏ đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao. Tuy nhiên, theo ông Hải, tổ chức giao thông là vấn đề rất phức tạp, khoa học nên cần dựa vào thực tiễn giao thông để có các phương án hiệu quả.

(Còn tiếp)

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, việc bỏ bớt đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông phù hợp sẽ giúp cho các phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Nút giao Mễ Trì - Lê Quang Đạo là một điển hình. Sau khi Hà Nội bỏ hệ thống đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông ở nút giao này, tình hình đã cải thiện rõ rệt.

Về giải pháp “giao diện mềm” của KTS. Phạm Văn Tiệp, Thiếu tá Chinh đồng tình ủng hộ và cho rằng, đối với ngã tư hình vuông tứ phía nên có tín hiệu đèn, còn với ngã tư nào lệch chéo để cho các phương tiện rẽ (có bố trí đèn tín hiệu) sẽ tạo thành điểm thắt gây ùn ứ. Do đó, nên bỏ bớt các hệ thống tín hiệu đèn, thay vào đó thực hiện các giải pháp giao diện mềm.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-den-do-giao-thong-ha-noi-se-het-un-tac-d586780.html