Bỏ điện thoại, nói chuyện với nhau đi!

Các mối quan hệ trong gia đình đang trở nên lỏng lẻo và thủ phạm là điện thoại di động.

Công nghệ đang sinh ra những con nghiện thực sự. Người lớn nghiện Facebook, trẻ con nghiện trò chơi điện tử...

Ngay giữa bữa ăn, các thành viên gia đình cũng ít nói chuyện khi trên tay mỗi người mỗi chiếc điện thoại. Người lớn thì giao tiếp, chia sẻ với những người xa lạ trên mạng, thậm chí thương vay khóc mướn trong khi thờ ơ với người bên cạnh.

Trẻ con thì mải mê với thế giới game. Các thành viên gia đình thấy mối quan tâm thế là đủ, không cần phải nói chuyện với nhau nữa. Cứ thế chuyện diễn ra ngày này qua tháng khác, người ta tưởng bình thường cho đến một ngày phải giật mình.

Điện thoại đã tạo nên rào cản trong chính những thành viên trong gia đình (Ảnh minh họa)

Câu chuyện nghiện công nghệ không hề là chuyện cường điệu mà nó còn ghê hơn cả nghiện cờ bạc và một số tệ nạn khác. Ở TP. HCM cách đây mấy năm đã có các cơ sở chữa nghiện game và hiện nay là chữa nghiện facebook. Đây là những căn bệnh thời đại rất đáng báo động.

Trên Facebook của mình, anh Trần Thanh M., tâm sự: "Đến bữa ăn gia đình cũng diễn ra trong im lặng. Đi du lịch vợ cũng chỉ ôm điện thoại sống ảo. Đi nước ngoài cũng chỉ phục vụ nuôi Facebook. Tất cả thú vui của vợ tôi xoay quanh Facebook. Thực sự là công nghệ đã làm cho gia đình trước nguy cơ chết lâm sàng...".

Trong cuộc phỏng vấn "một ngày bạn sử dụng điện thoại bao nhiêu tiếng đồng hồ", nhóm nữ sinh trường THPT VD ở Hà Nội thú nhận là chỉ khi ngủ, học ở lớp mới không sử dụng, còn lại là không rời nó được.

Như vậy, điện thoại là vậy bất ly thân, là bạn "tri kỷ" của một bộ phận học sinh rồi!

Một giáo viên phụ trách Học kỳ quân đội, chia sẻ: Nhiều em tham Học kỳ quân đội là con nhà có điều kiện. Tất cả các phụ huynh khi cho con tham gia học kỳ quân đội thường mong con rời xa điện thoại một thời gian để tham gia các kỹ năng, sống thực tế hơn.

"Nhưng rất bất ngờ, để xa được điện thoại thật khó với các bạn. Có em còn cảm thấy rất khó khăn khi rơi vào tâm trạng bất an, lo lắng khi để điện thoại xa mình", vị này cho biết.

Gia đình ngồi với nhau nhưng đã không còn nói chuyện cùng nhau như trước (Ảnh minh họa)

Sự phát triển của công nghệ, mạng 3G, 4G, wifi có mặt ở khắp nơi. Bất kỳ đâu người ta cũng kết nối. Điều này mang đến rất nhiều tiện ích cho công việc, nhưng nó đã đánh mất sự kết nối với người bên cạnh. Và đây là thách thức với gia đình truyền thống coi việc nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với nhau là nền tảng của sự kết nối, thấu hiểu.

Nay thì bữa ăn vội vã, ai về phòng đó, đóng cửa sống chúng với điện thoại. Người ta cô đơn ngay chính trong mái ấm mình.

Có một quán cà phê nhận thấy sự lạnh nhạt trong các mối quan hệ, họ đã ngắt wifi và đề dòng chữ: "Ở đây không có wifi, hãy nói chuyện với nhau".

Một giáo sư ở Hà Nội đã chia sẻ trên mạng rằng, không chịu nổi cảnh cô đơn ở bữa cơm cuối ngày đã đề ra quy định, về nhà ngắt 3G, ngắt wifi, tắt tivi và yêu cầu hãy nói chuyện, trao đổi với nhau. Rất may trong gia đình chưa ai kịp nghiện Facebook, game nên đã đồng ý quy định này của gia đình. Các thành viên gia đình này đều nhận thấy nguy cơ công nghệ làm cho nguôi lạnh mái ấm nên đã rất hưởng ứng chủ trương của ông bố giáo sư và nhiệt liệt thực hiện!

Khi càng mê công nghệ người ta càng cô đơn. Cô đơn ngay trong nhà mình. Cần phải có một nghiên cứu thật sự về những rạn nứt gia đình khi nghiện công nghệ. Tuy nhiên, từ thực tế trong chính ngôi nhà của mình, có lẽ mọi người nên phát động "Về nhà hãy nói chuyện với nhau". Không có công nghệ nào thay thế sự kế nối trực tiếp, lắng nghe, thấu hiểu từ trái tim đến trái tim, để gia đình là mái ấm thực sự, nơi bình yên thực sự chứ không phải cái trạm nghỉ để kết nối điện thoại, kết nối mạng với những người xa lạ.

Ngày gia đình, hãy bỏ điện thoại cầm tay khi bên nhau, hãy nói chuyện với nhau. Hãy lắng nghe nhau thay vì chia sẻ trên thế giới ảo.

Đã bao lâu rồi chúng ta không nói chuyện thật sự với nhau?

Thảo Trang

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/bo-dien-thoai-noi-chuyen-voi-nhau-di-70789.html