'Bộ đội Cụ Hồ' trong phòng chống thiên tai

Thanh Hóa thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Mỗi lần mưa bão, lũ quét xảy ra, hình ảnh những người lính 'Bộ đội Cụ Hồ' dầm mình trong bão lũ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai đã để lại những tình cảm ấm áp trong lòng nhân dân, càng làm sáng thêm những phẩm chất cao quý của một đội quân được sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân quên mình.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và các lực lượng giúp bà con nhân dân bản Sa Ná khắc phục hậu quả thiên tai.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và các lực lượng giúp bà con nhân dân bản Sa Ná khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong những ngày giáp Tết Canh Tý, chúng tôi trở lại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát sau hơn một năm người dân nơi đây phải gánh chịu cơn lũ dữ. Khác với cảnh hoang tàn đổ nát, vùng đất lũ ngày nào đang hồi sinh và chuyển mình mạnh mẽ. Trên mảnh đất ấy, đã có những ngôi nhà mới kiên cố vững chãi, dọc hai bên đường vào bản những cây hoa ban đang đâm chồi lộc biếc, trong những ngôi nhà người dân đang trang trí chuẩn bị đón cái tết thứ 2 tại nơi ở mới. Trong căn nhà hai tầng được xây ngay đầu bản, bí thư chi bộ, trưởng bản Poọng Lò Quốc Tính, vẫn còn xúc động khi kể lại trận lũ lịch sử năm 2018, đã khiến 35/89 ngôi nhà, với nhiều tài sản có giá trị, 16 ha lúa đến thời kỳ thu hoạch và nhiều ha hoa màu bị vùi lấp hoàn toàn..., nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Nhưng trong lũ dữ, người dân bản Poọng đã nhận được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) Thanh Hóa. Nhiều người dân bản Poọng vẫn không thể nào quên được hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung đã băng mình qua dòng lũ xiết để bế những em nhỏ, cõng những người già từ những nơi sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Khi người dân bị dòng lũ dữ cuốn trôi nhà cửa, Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung đã bố trí chỗ ở và lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

Không chỉ có ở bản Poọng, trong đợt lũ năm 2018, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân sự, công an băng rừng, vượt lũ để đến với những bản đang bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm, dựng nhà cho người dân đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên “không để người dân bị thiếu đói” cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và đoàn viên, thanh niên đã tổ chức gánh gạo cắt đường rừng mà đi để cứu trợ cho người dân; những chiếc xe máy được trưng dụng để thồ gạo làm sao cho lương thực, thực phẩm được đến nhanh nhất cho người dân đang bị cô lập. Những việc làm kịp thời, tình cảm ấm áp, sẻ chia của những người lính Cụ Hồ đã được cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Mường Lát ghi nhận. Bà con trong các bản bị thiệt hại do thiên tai đều xúc động trước những hành động cao đẹp ấy. Việc làm đó đã làm cho tình cảm quân - dân ngày càng gắn bó keo sơn... Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Thanh Hóa về với bà con các dân tộc trong lúc khó khăn, hoạn nạn lại tiếp tục tỏa sáng và được người dân khắc ghi, làm ngời sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chúng tôi có dịp trở lại Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn nơi cách đây hơn 4 tháng trước đã phải chịu trận “đại hồng thủy” làm cho 9 người chết và mất tích, 24 nhà dân bị lũ cuốn trôi, 10 nhà dân bị sập hoàn toàn. Cảnh tượng tan hoang, đổ nát đau thương mất mát của người dân nơi đây tưởng chừng khó có thể hàn gắn ngay được. Song với sự đồng sức đồng lòng với đồng bào vùng lũ của các cấp ủy, chính quyền và LLVT, cuộc sống của bà con Sa Ná đang dần được hồi sinh ở một vùng đất mới. Với người dân bản Sa Ná, trong gian khó được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và lòng hảo tâm của nhân dân cả nước hướng về, thì hình ảnh những chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” sẵn sàng xả thân để giúp người dân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất luôn là hình ảnh đẹp trong tâm trí họ, như: Trường hợp ông Lương Văn Chon, 52 tuổi, dân tộc Thái được cán bộ, chiến sĩ quân đội giải cứu, khi mắc ở ngọn cây giữa dòng nước lũ; bà Lữ Thị Thương, 47 tuổi, khi đang chuẩn bị ra đồng làm ruộng, nhưng được lực lượng dân quân kịp thời cứu sống đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hay như em Nguyễn Minh Lâm, 15 tuổi, dân tộc Mường, bị lũ cuốn trôi rồi bám được vào cây, đến khi gần kiệt sức, Lâm đã được bộ đội giải cứu kịp thời. Các nạn nhân và người nhà đều bày tỏ lòng biết ơn đến cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Đỗ Văn Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được lệnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai lực lượng cơ động đến những nơi người dân đang bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Với tinh thần cán bộ, chiến sĩ quân đội giúp dân như giúp chính gia đình mình, trong những ngày bão lũ ở huyện Quan Sơn và Mường Lát, ngoài các đơn vị thường trực địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu IV điều động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ tại hiện trường, tích cực tìm kiếm nạn nhân dọc dòng sông Luồng; đồng thời tìm mọi cách tổ chức lực lượng vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ bà con. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không nề hà gian khó, khẩn trương dọn dẹp, tu sửa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Dẫu còn bộn bề công việc sau cơn lũ, song cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân chịu ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua vẫn vững lòng bởi có cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn sát cánh, đồng hành.

Mỗi mùa mưa bão đi qua lại có biết bao câu chuyện cảm động về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, về tình quân - dân keo sơn, gắn bó được kể lại, lan tỏa mạnh mẽ. Tình cảm đó, nghĩa tình đó cũng là động lực tinh thần to lớn để cán bộ, chiến sĩ, LLVT và người dân vùng lũ Thanh Hóa vượt qua mọi khó khăn, vững tin hướng về phía trước, đón một mùa xuân đầm ấm yên vui.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/bo-doi-cu-ho-trong-phong-chong-thien-tai/113455.htm