Bố dùng lý lẽ 'cùn' bắt anh trai nhường em gái nhỏ vô điều kiện

Có rất nhiều thói quen mà cha mẹ phải thay đổi nếu muốn con lớn lên độc lập và tử tế.

Hỏi: Hai con tôi chênh nhau 12 tuổi. Con trai lớn đang học lớp 12 nhưng con bé mới hơn 5 tuổi. Dù khoảng cách xa nhau là thế nhưng không ngày nào tôi không ung thủ vì hai anh em. Cậu lớn luôn coi em như người lớn, trong khi con em lại đành hanh hay ăn vạ.

Có bất cứ đồ ăn gì, anh cả đều yêu cầu mẹ chia công bằng, dù có những thứ nó cũng chặng đụng đến. Cô em gái chỉ cần nghe thấy thế là gào lên ăn vạ, đòi phần nhiều hơn.

Mỗi lần như thế chồng tôi lại lườm nguýt mắng mỏ cậu anh trai là “to xác mà không biết chiều em”. Sau đó là một mớ lý thuyết nhồi vào đầu con cả rằng: "Làm anh phải biết nhường nhịn, em còn bé được nhường một chút thì… chết ai. Con là đàn ông mà sao ích kỷ thế?".

Biết luôn được bố bênh nên con gái út ngày càng khó bảo, trong khi anh trai thì tỏ thái độ ghét em ra mặt. Là một bà mẹ, tôi không biết phải làm sao?

Nguyễn Trà Danh (Thái Bình)

Ảnh minh họa

Trả lời:

Hãy yêu con đúng cách!

Tương lai để con trở thành thiên tài là một thử thách lớn và chưa thể nhìn thấy ngay, chưa thể chắc chắn nhưng để trở thành một đứa con ngoan, biết yêu thương chia sẻ, có ý thức trách nhiệm, có khả năng kiên trì vượt khó, có khả năng độc lập bản lĩnh, có sự tự tin và thích nghi mọi lúc mọi nơi… thì trong hiện tại cha mẹ và con luôn có thể làm được.

Theo đó, bố mẹ khoan cứ vội mải miết biến con thành bất cứ thứ gì to tát khi mà con vẫn phải loay hoay, hoang mang, thậm chí bế tắc trong bất lực với những điều đơn giản nhất xung quanh con trong hiện tại này.

Thay vào đó, các bậc phụ huynh muốn con thay đổi cần thay đổi trong trong từng tư duy, quan điểm, tính cách, tâm lý, cảm xúc, thói quen đúng đắn và tích cực vì nó là cái gốc vững chắc cho sự phát triển của các con yêu.

Vì thế, thay vì đợi con lớn mới dạy thì cần phải để trẻ 6 tuổi đã phải có thói quen phát triển tư duy ý thức.

Đầu tiên là bỏ thói quen luôn nói con còn nhỏ nên được ăn nhiều hơn hoặc ưu tiên món ngon hơn, bố mẹ hãy chia công bằng, cho các con ăn như nhau và nói với con đó là nguyên tắc chia sẻ công bằng và ăn uống cần có văn hóa.

Thay vì việc cho con nhỏ ăn trước dù ngồi cùng bàn ăn thì cha mẹ hãy dạy con chờ đợi và ăn cùng khi đủ người. Hãy nói với con đây là nguyên tắc tôn trọng nhau trên bàn ăn.

Khi người khác cho con gì đó, thay vì việc cha mẹ cho con nhận ngay hoặc từ chối hộ con thì cha mẹ hãy hỏi ý kiến của con và để con thuyết phục tại sao nhận hoặc không nhận. Cha mẹ nên “mặc kệ” con làm theo ý mình, sau đó nếu có thể không hài lòng thì hãy nói với con về nguyên tắc nhận và sẽ đáp lại thế nào.

Thay bằng để con la hét, nghịch ngợm trong nhà một cách tự do thành thói quen, sau đó ra ngoài bắt con im lặng, ngồi một chỗ thì hãy dạy con nguyên tắc lịch sự với người trong nhà ngay khi trẻ 1 tuổi.

Thay bằng con khóc hay ăn vạ đòi hỏi là đáp ứng thì bố mẹ hãy để con tự dừng với nguyên tắc không bao giờ con có.

Thay bằng con làm chậm là làm hộ hoặc thúc giục thì hãy để con tự chịu hậu quả và dạy con nguyên tắc mất thời gian do hoàn thành chậm sẽ mất thời gian của việc chơi.

Thay bằng thúc giục, nghĩ hộ để con hoàn thành nhiệm vụ cô giáo giao thì hãy để con không hoàn thành, làm sai do lỗi tự của con để con biết được thực tế về trách nhiệm và năng lực học của mình.

Thay bằng sợ con bị phê bình, sợ con bị chê bố mẹ hãy để con tự nhiên nhận lấy để dạy con sự xấu hổ sẽ như thế nào.

Đặc biệt thay bằng cha mẹ chỉ biết tặng quà cho con vô điều kiện thì hãy giúp con nhớ ngày có ý nghĩa của mọi người và dạy con nói lời chúc mừng hoặc cùng con làm 1 món quà nho nhỏ sẽ giúp con trân trọng hơn khi cho và nhận.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cung-con-truong-thanh/bo-dung-ly-le-cun-bat-anh-trai-nhuong-em-gai-nho-vo-dieu-kien-277648.html