Bộ GD&ĐT làm gì để không xảy ra gian lận thi THPT quốc gia 2020?

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức lùi 1 tháng so với năm trước. Như vậy, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ, Học viện... Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, năm nay sẽ tăng cường thắt chặt kỹ thuật, không để xảy ra gian lận thi.

ảnh: Ông Mai Văn Trinh (ở giữa) kiểm tra thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hóa

ảnh: Ông Mai Văn Trinh (ở giữa) kiểm tra thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hóa

Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2020 đang được lấy ý kiến rộng rãi đến hết 10/3, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung quy định một số Điều để tăng bảo mật an ninh kỳ thi.

Cụ thể, phòng bảo quản đề thi, bài thi năm nay phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ; có 1 cán bộ của trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại Điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Khu vực chấm thi cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau. Bài thi trắc nghiệm được lưu lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt.

Đối với tổ giám sát thi, Thông tư sửa đổi, bổ sung mới gồm Tổ Giám sát, ít nhất 05 người (1 Tổ trưởng và ít nhất 4 thành viên): Tổ trưởng Tổ Giám sát là lãnh đạo phòng/ban của trường ĐH, CĐ; các thành viên Tổ Giám sát là viên chức của trường ĐH, CĐ và công chức sở GDĐT của tỉnh có bài thi được chấm. Tổ Giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác. Tổ Giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại Phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định.

Ngoài ra, cán bộ công an có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn khu vực chấm thi và nơi lưu trữ, bảo quản bài thi trắc nghiệm; ký niêm phong và chứng kiến mở niêm phong phòng chấm thi, phòng chứa bài thi, đĩa CD chứa dữ liệu.

Dự thảo quy chế cũng quy định, phải tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách. Thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi môn đó và theo chỉ đạo của Trưởng ban Chấm thi.

Siết chặt quy trình, tăng cường kỹ thuật

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ tiếp tục tăng cường kỹ thuật, siết chặt quy trình, không để xảy ra gian lận thi. “Với tinh thần không lơ là, chủ quan, Bộ GDĐT Bộ sẽ điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật hướng tới tổ chức Kỳ thi 2020 tốt hơn, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, không để xảy ra gian lận”, ông nói.

Cụ thể, một số điều chỉnh sẽ được quy định chi tiết trong Quy chế thi sắp ban hành và sẽ có hướng dẫn, tập huấn kỹ càng để đảm bảo mọi cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi đều phải nắm vững. Tuy nhiên, đây chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật, liên quan đến cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh, do vậy các thí sinh tiếp tục tập trung học và ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tới.

Ông Trinh cho rằng, dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra là hiện tượng bất thường, tác động đến cả giáo dục, đào tạo. Bộ cũng đã điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia năm nay xuống từ ngày 23 đến 26-7-2020. Đây là các mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi vẫn được Bộ GD&ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục tiến hành như các năm trước, đảm bảo vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt Kỳ thi THPTQG 2020.

Năm nay, phương thức thi THPT quốc gia về cơ bản giữ ổn định như năm ngoái. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.

Chính vì thế, các địa phương cần chủ động chuẩn bị chu đáo để tổ chức kỳ thi, nhất là ở các nội việc: Tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắn xén chương trình; thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh; Chuẩn bị đầy đủ đội ngũ để đảm bảo thực hiện tốt các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi; Rà soát kỹ càng cơ sở vật chất, thiết bị bao gồm: phòng thi, phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi, địa điểm chấm thi…

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-gddt-lam-gi-de-khong-xay-ra-gian-lan-thi-thpt-quoc-gia-2020-1527370.tpo