Bộ GD&ĐT phản hồi về kiến nghị bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ

Theo Luật Giáo dục đại học, dù có xét tuyển đại học bằng điểm học bạ hay không, các trường phổ thông vẫn phải có biện pháp đánh giá đúng kết quả học tập của người học.

Bộ GD&ĐT vừa có phúc đáp kiến nghị của cử tri Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ do đang nảy sinh việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm".

Theo Bộ GD&ĐT, khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: PHI HÙNG

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: PHI HÙNG

Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, các trường phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.

Trước đó, Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 1418/BDN ngày 7-11-2022. Một trong những nội dung cử tri đề cập đến là đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ do hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường.

Ngoài mối quan tâm về chất lượng tuyển sinh bằng học bạ, cử tri Thanh Hóa còn kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm việc nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao. Điều này gây ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình, chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân.

Cử trì đề nghị điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT để áp dụng từ năm học 2021-2022.

Theo đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021 - 2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021. Đây cũng là giải pháp của ngành giáo dục, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-phan-hoi-ve-kien-nghi-bo-viec-xet-tuyen-dai-hoc-qua-hoc-ba-post719325.html