Bộ Giáo dục: 'Giáo viên buộc dây vào người trẻ 4 tuổi là sai phương pháp, nhưng cần sự cảm thông'

Thừa nhận giáo viên buộc học sinh vào cửa sổ là không phù hợp, nhưng theo Vụ trưởng Vụ mầm non, xã hội cần cảm thông và chia sẻ bởi việc giáo dục trẻ nhóm trẻ đa tật là thách thức cả giới chuyên môn chứ không chỉ giáo viên.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho hay trường hợp trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp.

Nhà trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên, dẫn đến việc đáng tiếc như buộc trẻ vào cửa sổ ở Nam Định.

- Quan điểm của Bộ GD&ĐT thế nào về trường hợp trẻ 4 tuổi ở Nam Định bị cô giáo buộc dây vào cửa sổ?

Em N.V.P., 4 tuổi, thuộc nhóm trẻ đa tật (khuyết tật trí tuệ - tăng động, điếc - câm và có biểu hiện kèm theo rối loạn phổ tự kỷ). Trường hợp này rất khó để em tham gia giáo dục hòa nhập ở nhà trường, đồng thời là thách thức lớn đối với cả giới chuyên môn, cán bộ quản lý và giáo viên.

Chăm sóc, giáo dục những cháu như thế này cần nhiều điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, công tác quản lý và đặc biệt cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, y tế và các lực lượng xã hội khác.

Địa bàn huyện Trực Ninh, Nam Định, không có cơ sở hay trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật ở mức độ rất nặng hay đa tật như trường hợp của cháu N.V.P.

Mặt khác, trường Mầm non B xã Trực Đại chưa có giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Giáo viên cũng chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật, chưa có nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. Điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục trẻ khuyết tật (đặc biệt đối với trẻ tự kỷ) chưa đảm bảo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho rằng do chưa được trang bị kiến thức, các giáo viên có những biện pháp chưa phù hợp. (Ảnh: VOV)

Dù vậy, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thực hiện các chủ trương chung, đảm bảo quyền được đến trường học tập của mọi trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật, nhà trường đã tiếp nhận cháu vào học. Đó là điều đáng ghi nhận.

Nhưng, giáo viên chưa có kiến thức, phương pháp và kỹ năng quản lý hành vi và giáo dục trẻ như em N.V.P. dẫn đến việc có biện pháp không phù hợp. Đây là điều cần sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với các cô giáo.

Nhà trường cần rút kinh nghiệm rằng việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng trường. Trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp. Trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Nam Định phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp hỗ trợ để bé được chăm sóc, giáo dục phù hợp.

Giáo dục trẻ khuyết tật còn nhiều khó khăn

- Từ câu chuyện của em N.V.P., dư luận quan tâm về tình hình giáo dục trẻ khuyết tật trong hệ thống giáo dục hiện nay như thế nào, thưa ông?

Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật ngày 22/10/2007 và được Quốc hội nước phê chuẩn ngày 28/11/2014 tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt, Luật người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác về người khuyết tật nói chung và công tác giáo dục đối tượng này nói riêng.

Thời gian qua, Chính phủ ban hành các chính sách về giáo dục người khuyết tật với các đối tượng liên quan như giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập; hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Bộ cũng ban hành quy định về thực hiện giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập và kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay, cả nước có 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh và huyện; 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Cả nước có hai trường đại học sư phạm, 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập Khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Năm học 2017-2018, cả nước có 77.489 trẻ khuyết tật đi học, trong đó có 76.567 trẻ khuyết tật học hòa nhập và 922 trẻ khuyết tật học chuyên biệt.

- Quá trình thực hiện công tác giáo dục gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Công tác giáo dục trẻ khuyết tật hiện còn nhiều khó khăn. Giáo viên mới chỉ thực hiện giáo dục hòa nhập được với trẻ khuyết tật vừa và nhẹ. Với những đối tượng trẻ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và trẻ đa tật, vấn đề chăm sóc và giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật còn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ; công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường còn hạn chế do nguồn lực hạn hẹp.

- Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những kế hoạch gì để chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật?

Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, tiếp tục nghiên cứu đề xuất nội dung về giáo dục người khuyết tất với các chương trình, đề án liên quan giai đoạn 2021-2030.

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật; ban hành danh mục thiết bị tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi đặc thù; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn trang thiết bị để nâng cao chất lượng.

Bộ cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật; đang tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Trong năm 2019, cấp học mầm non sẽ triển khai tập huấn về phát hiện, can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đối trẻ khuyết tật.

Bộ đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã bổ sung điều 14 (quy định về giáo dục hòa nhập), điều 62 (trường lớp dành cho người khuyết tật) và bổ sung “trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập” ở điều 64.

Những nội dung bổ sung nêu trên sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các văn bản quy định chính sách và quản lý giáo dục hòa nhập.

Nguồn: Zing News

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tre-4-tuoi-bi-buoc-day-vao-cua-so-bo-giao-duc-giao-vien-sai-phuong-phap-nhung-can-su-cam-thong-d443167.html