Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường làm giáo án môn Ngữ văn và Lịch sử

Nhằm đạt hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý các trường, giáo viên về việc xây dựng giáo án, nhất là môn Ngữ văn và Lịch sử.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) học Lịch sử trong bảo tàng. Ảnh: LV.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) học Lịch sử trong bảo tàng. Ảnh: LV.

Bộ GD&ĐT lưu ý, riêng với môn Lịch sử, yêu cầu tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn, nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử.

Đối với môn Ngữ văn, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Khi xây dựng giáo án, yêu cầu đầu tiên mà Bộ GD&ĐT nhấn mạnh là đảm bảo các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học. Các nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy cũng cần bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy.

Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Liên quan đến thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức dạy học, Bộ GD&ĐT khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác, thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới.

Ngoài ra, các nhà trường thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường.

LV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/bo-giao-duc-va-dao-tao-luu-y-cac-truong-lam-giao-an-mon-ngu-van-va-lich-su-20220909165756084.htm