Bộ GTVT 'lắc đầu' với Dự án xây dựng bến xe Yên Sở

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ như bến xe Yên Sở (vốn dự kiến được đầu tư hơn 100 tỉ để hoạt động trong khoảng 7 năm) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có góp ý về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030.Theo đó, Bộ Giao thông nêu quan điểm Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiện cận trung tâm, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Các bến xe liên tỉnh hiện nay ở Mỹ Đình, Nước Ngầm... nên được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng.

Bộ Giao thông cũng cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở được nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.

Cũng góp ý cho quy hoạch của Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị các bến xe phải có bán kính phục vụ, tính khả thi kết nối giao thông công cộng, cũng như tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng, đấu thầu công khai các dự án đầu tư bến xe.

Liên bộ Giao thông và Xây dựng đều cho rằng Hà Nội cần nghiên cứu ý kiến của người dân và tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, doanh nghiệp để lấy ý kiến về quy hoạch đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe...

Bộ GTVT "lắc đầu" với đề xuất xây bến xe đầu tư hơn 100 tỉ để hoạt động 7 năm

Trước đó, UBND Hà Nội đã xin ý kiến của Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, để UBND thành phố làm cơ sở báo cáo HĐND phê duyệt. Trong đồ án này, Hà Nội dự kiến quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài), bến xe Đông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín), bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây, bến xe Tây Bắc (Phùng). Ngoài ra, trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới, Hà Nội dự kiến xây bến xe Yên Sở tại vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích 3,2 ha, công suất 800-1.000 lượt xe/ngày, giai đoạn đầu sẽ khai thác 400 lượt xe/ngày. Vốn đầu tư dự án là 118 tỷ đồng …

Ngay sau đó, đã nhiều ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội và người dân đồng loạt phản đối, cho rằng, quyết định trên là bất hợp lý, chưa đảm bảo đúng thẩm quyền, quy hoạch và quy định của pháp luật… Đặc biệt, mới đây (6/9/2018), Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đã tỏ rõ quan điểm bằng bản kiến nghị 9 trang gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và nhiều Bộ, ngành liên quan cho biết:

Căn cứ nội dung báo cáo 219-BC/BCS ngày 28/5/2018 của Ban cán sự Đảng thành phố gửi Thường trực Thành ủy và thông báo 1492-TB/TU ngày 31/7/2018 của Thành ủy Hà Nội: đồ án Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trong đó bao gồm dự án xây dựng Bến xe Yên Sở phải được trình và thông qua bởi HĐND thành phố trước khi triển khai. Nhưng thực tế, Hà Nội đã ban hành QĐ 7283/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này cho doanh nghiệp để ồ ạt thi công lấp hồ, san gạt mặt bằng xây dựng bến xe là chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.

Dù còn đang xin ý kiến cơ quan chức năng nhưng dự án đã ồ ạt thi công

Thứ 2, vị trí quy hoạch không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại trên. Bởi, theo quyết định quy hoạch trên, Bến xe Yên Sở sẽ nằm trên trục đường vành đai 3, trái với nguyên tắc bố trí các bến xe khách liên tỉnh tập trung chính tại khu vực vành đai 4 và đi ngược, thậm chí cản trở xu hướng từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác, sử dụng trong vành đai 3 hiện nay ra khu vực vành đai 4 theo Tờ trình 246 ngày 18/4/2017 của Sở GTVT Hà Nội gửi UBND TP. về việc Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch bến xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Thêm vào đó, vị trí xây dựng Bến xe Yên Sở hiện nay đã được quy hoạch là Bến xe tải Thanh Trì.

Thứ 3, việc quy hoạch chưa đảm bảo tuân thủ thời hạn trung hạn (khoảng 10 năm) theo QĐ 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Quy mô dự án xây dựng với mô hình bến xe hỗn hợp này là không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bến xe, bãi đỗ xe như dự án.

Đồng quan điểm với những kiến nghị của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Sau khi nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến quy hoạch, xây dựng Bến xe Yên Sở, đồng thời khảo sát thực tế địa điểm xây dựng. Hiệp hội thấy rằng, những kiến nghị nêu trên là đúng với tình hình thực tế. Qua đó, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu để có hướng giải quyết đảm bảo tính khả thi của dự án, tránh tình trạng sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Với góc độ chuyên môn về vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội 2 vấn đề. Cụ thể:

Về vị trí xây dựng bến xe: Bến xe Yên Sở cách ngã 3 Pháp Vân 2km nằm cạnh đường gom của đường vành đai 3, Công viên Yên Sở; khu vực này có nhiều dân cư, cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non. Vì vậy, khi bến xe hoàn thành đi vào khai thác sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đặc biệt tiếng ồn và không khí ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương;

Về quy mô dự án: Theo báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch đầu tư ngày 29/11/2016, Công ty CP Bến xe Thanh Trì thực hiện dự án đầu tư xây dựng đồng bộ bến xe khách, bãi đỗ xe với diện tích hơn 30.000m2. Việc xây dựng một bến xe hỗn hợp không đúng với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bến xe, bãi đỗ xe dẫn đến gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông. Hơn nữa, tại khu vực phía Nam Hà Nội chưa có bến xe tải, ngoài bãi đỗ xe doanh nghiệp này đã khai thác, vì vậy tại vị trí này chỉ nên quy hoạch xây dựng bến xe tải với quy mô hợp lý phục vụ nhu cầu của các phương tiện vận tải hàng hóa và đúng với chức năng vốn có, cũng như phù hợp quy định pháp luật về bến xe, bãi đỗ xe.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/bo-gtvt-lac-dau-voi-du-an-xay-dung-ben-xe-yen-so-48386