Bộ GTVT muốn chuyển trả dự án đường sắt cho Hà Nội

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chuyển dự án tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi về TP.Hà Nội làm chủ đầu tư do gặp nhiều khó khăn triển khai.

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng.

Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.

Đến nay, dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa thể triển khai thi công, nhưng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu.

Bộ GTVT cho hay, trong quá trình triển khai có các hạng mục phát sinh phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế nhằm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô, điều kiện thực tế và quy hoạch của địa phương; trượt giá xây dựng, tăng tỷ giá giữa tiền Yên và tiền Việt Nam; ảnh hưởng của vụ việc nhà thầu JTC của Nhật Bản hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một số quan chức đường sắt Việt Nam khiến dự án bị dừng từ 2014-2016... dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

“Điều chỉnh thiết kế cơ sở (tăng 332% so với tổng mức được duyệt), thay đổi quy mô đầu tư (tăng 131%), thay đổi chính sách tiền lương, trượt giá; thời gian thực hiện dự án kéo dài (phát sinh chi phí tư vấn, quản lý, phí cam kết...), tăng chi phí dự phòng, chi phí giải phóng mặt bằng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của nhà tài trợ.” - Bộ GTVT cho biết thêm về các nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư dự án tăng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ và đội vốn “khủng”.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ và đội vốn “khủng”.

Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào, chủ yếu vẫn tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án.

Ngoài ra, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để thực hiện giải phóng mặt bằng khu tổ hợp Ngọc Hồi (từ năm 2009 đến 2017 dự án mới được bố trí 388 tỉ đồng, kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 được giao 512 tỉ đồng và mới được bổ sung thêm 1.000 tỉ đồng), nên khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024 khó đạt được.

Sau nhiều năm ì ạch, Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng xem xét báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án (nếu cần thiết), tương tự như dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ tiếp tục là cơ quan chủ quản đầu tư đối với các hạng mục công trình đường sắt quốc gia thuộc giai đoạn 1 (Khu tổ hợp Ngọc Hồi), nhằm hoàn trả chức năng của ga Hà Nội, ga Giáp Bát và một số khu chức năng cho các tuyến đường sắt quốc gia trong tương lai.

Đối với các hạng mục còn lại thuộc Khu tổ hợp Ngọc Hồi (các khu chức năng, công trình liên quan đến đường sắt đô thị) và đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến Yên Viên, sẽ chuyển giao nhiệm vụ chủ quản đầu tư cho UBND TP.Hà Nội tiếp nhận để tiếp tục triển khai đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành.

Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ (về tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng…) của dự án cũng như đồng bộ với các dự án khác đang triển khai, tạo thuận lợi trong việc điều hành, kết nối với hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.

Vân Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-gtvt-muon-chuyen-tra-du-an-duong-sat-cho-ha-noi-3389347/