Bộ GTVT nợ câu trả lời

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cuối cùng cũng phải thừa nhận 'có trách nhiệm' trong thực hiện các dự án BOT giao thông. Thế nhưng, sự thừa nhận trên còn hời hợt!

Sự bất cập và thiếu minh bạch của nhiều trạm thu phí BOT diễn ra thời gian khá dài, gây bức xúc cho người tham gia giao thông nhưng bộ này vẫn im hơi lặng tiếng. Thậm chí có trạm thu phí được phê duyệt phi lý nhưng chưa một ai của bộ này nói về trách nhiệm của mình. Đơn cử như trạm thu phí BOT Tào Xuyên, Thanh Hóa sau khi kiểm tra đã phải giảm thời gian thu phí từ gần 28 năm xuống còn hơn 7 năm nhưng trước đó nó vẫn được duyệt mà không hề áy náy. Đáng ngạc nhiên hơn, dù chỉ mới thu phí hơn 7 năm nhưng chủ đầu tư trạm thu phí BOT này đã có lãi. Hàng chục trạm khác đã bị điều chỉnh giảm tổng cộng gần cả trăm năm thu phí nhưng chưa thấy nêu trách nhiệm một ai! Người dân đang cần câu trả lời về trách nhiệm cụ thể của người đã ký duyệt các dự án trên.

Sự hời hợt cũng khá rõ ràng, bởi sau khi nhận "có trách nhiệm", lãnh đạo Bộ GTVT không hề nhắc tới trách nhiệm ra sao? Sai, đúng như thế nào và khi nào chấn chỉnh những trạm thu phí BOT phi lý đang tạo ra bức xúc của người dân? Ngạc nhiên hơn, khi lý giải về thực trạng BOT, lãnh đạo Bộ GTVT "đẩy quả bóng" sang vùng khác: "Những tồn tại bất cập trong thực hiện là do khung pháp lý". Người dân không cần biết "khung pháp lý" như thế nào (làm sao mà họ biết được) mà đang đòi hỏi những đồng tiền của họ đã rơi vào túi nhà đầu tư thì ai và bao giờ được trả lại?

Sự u ám của các giải pháp cho những điều vô lý ở trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng được lãnh đạo Bộ GTVT thản nhiên đưa ra khi quyết định không dời trạm và cũng không mua lại. Điều đó đồng nghĩa nhà đầu tư tiếp tục "vắt sữa" những ai qua đây, bỏ mặc sự bức xúc của người tham gia giao thông. Quyết định trên cũng rất an toàn và xuề xòa cho trách nhiệm của những người đã ký duyệt dự án BOT đầy tai tiếng này. Người dân cần biết đó là ai, tại sao phải lấp liếm bảo vệ cho trạm thu phí BOT này?

Còn trong cuộc họp mới đây về việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, lãnh đạo của quỹ này và cả Bộ GTVT cũng không trả lời được nguyên do vì sao người dân phải trả phí bảo trì và cả phí BOT trên cùng một tuyến đường. Tuy các tuyến đường BOT chiếm tỉ lệ nhỏ trên toàn tuyến quốc lộ nhưng ai cũng thấy nó toàn nằm ở những vị trí đắc địa, chặn ngang ngõ vào ra các thành phố lớn, vây chặt các vùng kinh tế đang phát triển. Nhiều dự án chỉ dặm vá, duy tu vài chục km quốc lộ nhưng vô tư đặt trạm thu phí mà vẫn dễ dàng được chấp thuận. Người dân cần câu trả lời khi nào di dời những trạm thu phí BOT này, trả lại quốc lộ thông thoáng mà họ đã đóng tiền xây dựng và bảo dưỡng?

"Có trách nhiệm", chỉ đơn giản vậy thôi sao? Đừng bắt nhiều người phải trả giá cho những trách nhiệm nửa vời, cho những toan tính thiếu sự công bằng của các chủ đầu tư và cả những "bàn tay đen" len qua những kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bo-gtvt-no-cau-tra-loi-20170929222432862.htm