Bộ GTVT xin chậm thu phí không dừng: Ai gánh hệ lụy?

Sau câu chuyện này, cần phải yêu cầu xử lý trách nhiệm thật nghiêm, nhất là trách nhiệm với người đứng đầu.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến hạn phải hoàn thành dự án thu phí không dừng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bất ngờ kiến nghị xin gia hạn giai đoạn 2 và các trạm của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đến năm 2020. Ngay trước đó, Công ty TNHH thu phí tự động (VETC) vừa xin trả lại dự án thu phí không dừng bởi nếu việc thu phí không dừng chậm triển khai, khiến doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.

Việc triển khai làn thu phí tự động tại các 44 trạm thu phí vẫn dở dang sau 5 năm. Ảnh: Zing

Việc triển khai làn thu phí tự động tại các 44 trạm thu phí vẫn dở dang sau 5 năm. Ảnh: Zing

Nhiều vướng mắc

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc Bộ GTVT phải xin lùi ngày "về đích" trước giờ G là do tất cả các điều kiện để thực hiện chưa được minh bạch.

Cụ thể, về phía Bộ GTVT, là cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện thu phí tự động không dừng nhưng trong điều kiện chưa hội đủ các yếu tố để bảo đảm cho việc tổ chức triển khai thu phí không dừng được thuận lợi, suôn sẻ.

Đó là bài toán làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thiết bị thu phí không dừng; Là giá phí, thời gian thu phí, việc xác định dòng tiền đổ vào ngân hàng...

"Rất nhiều vấn đề liên quan tới doanh thu của doanh nghiệp BOT chưa được giải quyết triệt để dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, lợi ích không được thống nhất doanh nghiệp BOT đòi trả lại, cơ quan quản lý thì lúng túng không xử lý được", ông Liên nói.

Tiếp đến về phía doanh nghiệp, ông Liên cho rằng việc doanh nghiệp BOT hay VETC đòi trả đi, trả lại dự án không hoàn toàn là doanh nghiệp muốn "làm mình, làm mẩy" với cơ quan quản lý nhà nước. Có câu chuyện xuất phát từ những điều kiện tổ chức chưa thuận lợi, chưa bảo đảm thống nhất được lợi ích giữa các bên, dẫn tới những quan điểm bất đồng, không thể thực hiện được.

"Vì những điều kiện tổ chức chưa được bảo đảm nên đứng trước những vấn đề phát sinh thì cả cơ quan quản lý nhà nước và phía doanh nghiệp đều lúng túng, không có được phương án thay thế thuyết phục.

Vì thế, khi đứng trước việc người dân chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ Etag; nhiều doanh nghiệp BOT cũng băn khoăn chuyện chia nguồn lợi từ dòng tiền thu phí nên chưa đồng ý cho lắp đặt hệ thống; Một số nhà đầu tư BOT không đồng ý ký hợp đồng dịch vụ, không bàn giao làn thu phí để thực hiện đầu tư hoặc đồng ý cho VETC đầu tư nhưng sau đó không trả phí dịch vụ vận hành... thì Bộ GTVT không giải quyết được, doanh nghiệp đòi trả dự án, cứ loanh quanh như vậy nên chủ trương bị kéo dài, không thực hiện được.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng, chưa thống nhất mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ địa phương, ngân hàng tài trợ vốn.

Ở đây còn có dư luận về việc không thống nhất được tỉ lệ "ăn chia" giữa các doanh nghiệp và ngân hàng nên việc triển khai thu phí không dừng bị tắc, bị kéo dài mãi.

Về phía người dân, khi các giải pháp quản lý chưa triển khai đồng bộ, thống nhất, chưa tạo được lòng tin, khuyến khích người dân thực hiện thì người dân chưa muốn thực hiện. Do đó, muốn người dân tự nguyện dán thẻ Etag thì cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải làm cho tốt, phải tạo được sự thuận lợi cho người dân khi tham gia. Làm được như vậy, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ", ông Liên nói.

Yếu kém quản lý, dân phải gánh?

Cũng theo ông Liên, sự thiếu chủ động của Bộ GTVT chính là nguyên nhân dẫn tới sự phản ứng hàng loạt của các doanh nghiệp BOT cũng như VETC. Trục trặc này xuất phát từ chính phía Bộ GTVT và tự bộ này phải giải quyết.

Có lẽ vì thế, nên Bộ GTVT đã kiến nghị xin gia hạn thời gian thực hiện thu phí không dừng nhưng việc này cũng đồng nghĩa với một loạt hệ lụy đằng sau. Ví dụ rõ nhất là việc phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng, phải bồi thường cho doanh nghiệp để VETC không bị phá sản.

Như vậy, đồng nghĩa, ngân sách có thể sẽ bị mất một khoản không nhỏ để bồi thường cho nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sự yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý của Bộ GTVT.

"Chắc chắn Bộ GTVT không thể có tiền để bồi thường cho nhà đầu tư mà phải lấy từ ngân sách. Thẩm quyền quyết định cuối cùng là do Quốc hội nhưng rõ ràng, lấy tiền từ đâu thì vẫn là tiền từ ngân sách, là tiền của dân.

Như vậy, cơ quan quản lý chưa làm tốt nhưng người dân phải gánh rủi ro", ông Liên nói.

Bộ GTVT thất hứa thu phí không dừng: Sức ép mới

Phải xử lý trách nhiệm

Nhìn tổng thể, theo vị chuyên gia, việc thực hiện thu phí không dừng trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu, nhằm giúp minh bạch quá trình thu phí, nguồn thu phí, tránh thất thoát, lãng phí.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), hiện có 100% các trạm BOT tại nước này đều đang triển khai áp dụng việc thu phí không dừng. Điều này cho thấy, việc thực hiện thu phí không dừng dù khó nhưng không phải không thực hiện được. Hơn nữa, nếu thực hiện đồng bộ sẽ giúp công tác quản lý thuận lợi, dễ dàng, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chủ trương đã được đặt ra từ lâu nhưng quá trình thực hiện lại gặp quá nhiều trục trặc.

Đặt trong bối cảnh các dự án BOT dính quá nhiều lùm xùm như nghi vấn được bảo kê, chống lưng, thu nhiều báo ít để ăn chia..., thái độ thiếu kiên quyết, thậm chí nhiều lần xuống nước của Bộ GTVT đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi.

Có chuyên gia đặt thẳng nghi vấn có tình trạng bắt tay giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý cố tình kéo dài thời gian thực hiện thu phí không dừng vì không muốn minh bạch nguồn thu phí.

Ông Liên cho rằng, sau câu chuyện này cần phải yêu cầu xử lý trách nhiệm thật nghiêm, nhất là trách nhiệm với người đứng đầu, không tạo tiền lệ xấu.

"Nếu không làm nghiêm sẽ tạo tiền lệ "ai muốn làm gì thì làm". Cơ quan quản lý sai nhưng không ai bị xử lý. Còn doanh nghiệp thực hiện cứ thấy khó là đòi, là trả, là ăn vạ cơ quan quản lý", ông Liên nhấn mạnh.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-gtvt-xin-cham-thu-phi-khong-dung-ai-ganh-he-luy-3392121/