Bỏ hàng chục tỷ mua bản quyền ASIAD, VOV được lợi gì?

Nói về câu chuyện ồn ào bản quyền trong thời gian qua, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, mua bản quyền thực chất là hoạt động kinh doanh thuần túy. Các đơn vị đứng ra đàm phán để mua bản quyền phải nhìn thấy cái lợi từ việc này mới chấp nhận bỏ ra một khoản tiền 'khủng lồ' để đầu tư.

Mới đây, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đàm phán thành công với KJSM để có bản quyền ASIAD 18. Theo đó, đại diện đứng ra đàm phán với đơn vị nắm giữ quyền phân phối bản quyền ASIAD 18 trên lãnh thổ Việt Nam KJSM là Đài truyền hình kỹ thuật số VTC - một đơn vị thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Con số chính thức chưa được công bố nhưng ước tính VOV sẽ phải mua bản quyền ASIAD với giá khoảng 1,7 triệu USD (tương đương gần 40 tỷ đồng).

Vậy nhà đài được lợi gì từ việc bỏ ra một số tiền lớn để phục vụ người hâm mộ?

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, bỏ ra số tiền lớn để mua bản quyền của ASIAD, VOV có thể thu lợi từ nhiều nguồn. Thứ nhất là từ tiền quảng cáo. Nhà đài có thể bán quảng cáo trước trận đấu, trong trận đấu và sau trận đấu. ASIAD 2018 hiện đang là mùa giải hot và được nhiều người chờ đợi, điều đó đồng nghĩa với việc đơn vị giữ bản quyền của ASIAD sẽ thu được khoản tiền không nhỏ từ quảng cáo. Số lượng người xem càng nhiều thì số lượng quảng cáo càng nhiều và giá quảng cáo càng cao.

“Đối với những chương trình hot, được nhiều người quan tâm, số tiền cho quảng cáo có thể cao gấp nhiều lần so với bình thường, tùy theo mức giá mà nhà đài đưa ra”, ông Thành phân tích.

Thứ 2 là thu tiền từ những sản phẩm phái sinh. Thông thường, kèm theo phát các trận bóng thì nhà đài còn có các chương trình bình luận, các chương trình bên lề và những sản phẩm phái sinh này cũng mang lại nguồn thu cho nhà đài.

Thứ 3, nhà đài còn được lợi về truyền thông. Đây là cái lợi thoát khỏi sản phẩm cụ thể và có lợi ích lâu dài.

Là một người có kinh nghiệm 8 năm về mua bản quyền, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, câu chuyện ồn ào về bản quyền trong thời gian qua thực chất là do nhiều người vẫn chưa có cái nhìn đúng về bản quyền. Việc mua bản quyền thực chất là hoạt động kinh doanh. Đơn vị mua bản quyền phải nhìn thấy lợi ích từ việc mua bán đó thì họ mới bỏ tiền đầu tư để thu lợi.

“Mua bản quyền thực chất là hoạt động kinh doanh thuần túy. VTV không mua thì VOV mua. Thậm chí nếu 2 đơn vị này không mua thì một đơn vị tư nhân nào đó có thể bỏ tiền ra mua để phục vụ công chúng. Điều quan trọng là họ phải nhìn thấy lợi nhuận từ việc này thì họ mới bỏ tiền ra để đầu tư”, chuyên gia này nói.

Khi mua bản quyền từ KJSM, VOV sẽ trở thành đơn vị phân phối thứ cấp. Tùy theo điều khoản của hợp đồng bản quyền thứ cấp, VOV có thể bán lại bản quyền này cho đơn vị khác để thu lợi. Ngoài ra, VOV còn có thể sử dụng hình ảnh của giải đấu để “chế biến” thành sản phẩm của mình.

Phạm Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bo-hang-chuc-ty-mua-ban-quyen-asiad-vov-duoc-loi-gi-626390.ldo