Bỏ HĐND một số cấp giúp vai trò của Đại biểu HĐND sâu sắc hơn

Việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường tại TPHCM và cấp phường tại Hà Nội được xem là bước đi đột phá trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Từ đó, 'sức nặng' của các đại biểu dân cử càng trở nên quan trọng và bám sát với người dân.

 Công tác chuẩn bị tại Tổ bầu cử số 8 - Trường Đại học Thủy lợi- Khu vực bỏ phiếu số 8 phường Trung Liệt (Hà Nội). Ảnh: Bình Dương

Công tác chuẩn bị tại Tổ bầu cử số 8 - Trường Đại học Thủy lợi- Khu vực bỏ phiếu số 8 phường Trung Liệt (Hà Nội). Ảnh: Bình Dương

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và chức chính tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM từ ngày 1/7/2021. Theo đó, TPHCM sẽ chỉ còn tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp thành phố, cấp huyện và xã; không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Còn tại TP Hà Nội sẽ bỏ HĐND cấp phường. Mục tiêu là để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của các thành phố được xem là trọng điểm kinh tế của cả nước. Xây dựng bộ máy gọn nhẹ, thông suốt, nâng cao trách nhiệm của đại biểu dân cử cũng như tiết kiệm ngân sách.

Vì vậy, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại TP Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND cấp phường và TPHCM sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND cấp quận, huyện.

TPHCM: Vai trò của Tổ đại biểu HĐND của thành phố ở tại địa bàn sẽ rất quan trọng

Ông Cao Thanh Bình, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM.

Ông Cao Thanh Bình, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM.

Ông Cao Thanh Bình, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM, cho biết: TPHCM đã nghiên cứu một cách chặt chẽ, chi tiết việc đổi mới mô hình tổ chức theo hướng chính quyền đô thị. Trong đó không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường tại TPHCM sẽ là bước đi đột phá. Đề án được xây dựng một cách nghiêm túc, được các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cử tri ở địa phương tham gia góp ý. Đề án nhận được sự đồng tình cao của các cử tri tại TPHCM. Sắp tới, khi không còn HĐND quận, phường thì TPHCM sẽ tăng cường phát huy vai trò của từng vị đại biểu HĐND ở các tổ HĐND. Bên cạnh đó còn tăng cường phối hợp với cơ quan quyền lực ở địa phương và Mặt trận Tổ quốc để tăng cường giám sát, phản biện.

Như vậy, trách nhiệm của đại biểu HĐND và tổ Đại biểu HĐND tại nơi ứng cử sẽ là "cánh tay nối dài" của các ban HĐND. Qua đó, tất cả các ý kiến của người dân sẽ được đại biểu HĐND nắm sát và kịp thời phản ánh cho thường trực HĐND. Việc giám sát, nắm thông tin, xem xét chính quyền thực hiện pháp luật như thế nào đều đảm bảo tốt.

"Trách nhiệm của Đại biểu HĐND không thay đổi nhưng vai trò của Đại biểu HĐND sẽ sâu sắc hơn. Quá trình hoạt động phối hợp của các đại biểu sẽ được nâng cao hơn. Khi không có HĐND quận, phường thì vai trò của Tổ đại biểu HĐND của thành phố ở tại địa bàn rất quan trọng. Trách nhiệm, vai trò của tổ đại biểu sẽ được chuyên sâu, phát huy tích cực hơn, đại biểu dành nhiều thời gian hơn để nắm thông tin. Các ban của HĐND TPHCM có vai trò phối hợp chặt chẽ hơn với các vị đại biểu và những kênh thông tin phản biện từ Mặt trận Tổ quốc để tiếp thu kịp thời, đảm bảo việc phát huy quyền dân của của người dân", ông Bình nhấn mạnh.

Hà Nội: Nhiệm vụ, trách nhiệm của đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ tới được nâng cao

Còn tại TP Hà Nội, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Như vậy, khu vực đô thị sẽ chỉ có 2 cấp chính quyền là thành phố và quận; các phường thuộc quận và thị xã Sơn Tây chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Khu vực nông thôn vẫn giữ mô hình 3 cấp chính quyền (thành phố; huyện, thị xã và xã, thị trấn).

Bà Nguyễn Lan Hương, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Quận Đống Đa, Hà Nội

Bà Nguyễn Lan Hương, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Quận Đống Đa, Hà Nội

Bà Nguyễn Lan Hương, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Quận Đống Đa, cho biết: Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri các phường và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Đại biểu của mình. Đặc biệt, thực hiện thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ 1/7/2021.

Theo đó, nhiệm vụ, của HĐND quận sẽ được thực hiện rộng hơn không chỉ quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền quận mà còn bao gồm cả việc quyết định các vấn đề tại các phường trực thuộc theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và luật Đầu tư công. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp trên.

Bên cạnh đó, ngoài việc giám sát tuân theo pháp luật và giám sát thực hiện Nghị quyết, HĐND Quận có thêm nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND 21 phường. Như vậy, nhiệm vụ, trách nhiệm của đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ tới được nâng cao và cần đảm bảo tính đại diện cho nhân dân và cử tri tại mô hình chính quyền đô thị.

Phạm Thương - Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-hdnd-mot-so-cap-giup-vai-tro-cua-dai-bieu-hdnd-sau-sac-hon-20210518225207538.htm