Bỏ hoang đất nông nghiệp

Ở các xã vùng đông huyện Thăng Bình hiện có tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đồng, dù chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang như thế này. Ảnh: BIÊN TÂN

Bỏ ruộng

Hơn 40 năm trước, để có được 500m2 đất sản xuất khu vực tổ 6 thôn Lạc Câu (xã Bình Dương) các hộ trên địa bàn phải bốc thăm. Bởi đất ở đây màu mỡ, sản xuất thuận lợi, có nước tưới cho cả 2 vụ. Thế nhưng hiện nay hơn 6ha đất khu vực này đã bị bỏ hoang. Kênh mương thủy lợi bị cỏ dại lấp kín.

Hơn năm nay không canh tác trên 3 sào ruộng tại khu vực tổ 6, ông Phan Lê lý giải: “Nếu chỉ gia đình tôi làm, mà những hộ khác bỏ hoang thì ruộng tôi sẽ bị chuột cắn phá. Không làm nông thì tôi tiếp tục theo nghề đánh bắt và nuôi tôm ven sông Trường Giang. Dù rất tiếc khi bỏ hoang ruộng đồng nhưng lớp trẻ bây giờ phần lớn làm công nhân ở các khu cụm công nghiệp và dự án Vinpearl Nam Hội An. Nếu đem so sánh ngày công lao động với việc làm ra hạt lúa, hạt gạo thì chênh lệch quá lớn”.

Chỉ tay về phía 1,5 sào đất sản xuất lúa tại khu vực tổ 6 đã bị bỏ hoang vụ hè thu này, bà Trần Thị Hoa (tổ 6 thôn Lạc Câu) cũng khá tiếc. Bà Trần Thị Hoa cho hay: “Đất sản xuất ở đây bây giờ bị sụt lún, có nơi sâu đến đầu gối. Trong khi đó, khu vực này xe cơ giới không đến được nên đành phải bỏ đất hoang”.

Theo thống kê mới nhất từ Phòng NN&PTNT Thăng Bình, đến thời điểm này toàn huyện đã có 455ha diện tích đất bị bỏ hoang, chủ yếu ở các xã vùng đông như Bình Dương, Bình Giang, Bình Hải, Bình Đào, Bình Nam, Bình Sa và Bình Triều. Trong đó có 105ha đất bỏ hoang hơn năm, khoảng 350ha đất bỏ hoang 1 vụ. Nguyên nhân được Phòng NN&PTNT huyện đưa ra do đất sình lầy, nhiễm mặn phổ biến ở các xã dọc sông Trường Giang; tình trạng thiếu nước tưới; chuột cắn phá và đặc biệt là thiếu lao động làm nông nghiệp.

Cần giải pháp căn cơ

Trước mỗi mùa vụ, UBND xã Bình Dương luôn phối hợp với Ban Nông nghiệp xã tuyên truyền về lịch thời vụ, cơ cấu giống cho từng vùng tại các cuộc họp và trên hệ thống truyền thanh. Dù nỗ lực tuyên truyền nhưng tình trạng đất bỏ hoang vẫn không mấy cải thiện. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Bình Dương, ở vụ hè thu này toàn xã chỉ sản xuất được 9ha trong tổng số 30ha dự kiến đầu vụ.

Ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho hay, bây giờ người nông dân chỉ sản xuất vụ đông xuân làm lương thực cho cả năm. Còn vụ hè thu hầu hết ruộng bỏ hoang. Thực trạng này đã xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây. Địa phương cũng đã tìm nhiều giải pháp thích hợp như hỗ trợ giống, đầu tư kênh mương thủy lợi, tuy nhiên đành bất lực. “Giải pháp hiện nay là chuyển một số diện tích đất bỏ hoang không sản xuất được kêu gọi nhà đầu tư để làm đất dịch vụ. Còn vận động người dân sản xuất là chuyện rất khó” - ông Nguyễn Thanh Vinh nói.

Theo ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, qua khảo sát tại một số địa phương, phòng đã đưa ra 2 giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó giải pháp ngắn hạn là giao đất không sản xuất cho HTX thuê hoặc mượn; liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Đối với giải pháp dài hạn, phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện để có định hướng lâu dài, nhất là các xã vùng đông, vì phần lớn diện tích đất bỏ hoang đã được quy hoạch. Những diện tích ngập, nhiễm mặn do hệ thống đê, para sông Trường Giang đã xuống cấp, phải có kinh phí để nâng cấp. Những diện tích bỏ hoang cần phải cho thuê lại để đầu tư du lịch sinh thái, tuy nhiên cái khó là người dân thích bồi thường hơn cho thuê đất. Tiếp tục thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, trong đó vai trò của HTX phải là hạt nhân. Ngoài ra, đối với những vùng đất sản xuất thuận lợi nhưng người dân bỏ đất hoang không sản xuất trên 12 tháng cần xem xét thu hồi.

GIANG BIÊN - MINH TÂN

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/201907/bo-hoang-dat-nong-nghiep-862654/