Bộ KH-ĐT từ chối BOT nhiệt điện Vũng Áng II: Sáng suốt

BOT nhiệt điện than rất nguy hiểm, nếu không kiểm soát chặt, Việt Nam chỉ nhận được khối sắt gỉ, không còn gì...

BOT nhiệt điện vô cùng nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam cũng đánh giá cao quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khi không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.

Nhiệt điện than và vấn nạn môi trường. Ảnh: Nhà đầu tư

PGS.TS Nguyễn Minh Duệ đánh giá, bản thân hai Bộ KH-ĐT và Bộ Công thương khi thực hiện xem xét, đánh giá về chủ trương đầu tư phải thẩm định rất kỹ đối với từng dự án. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức BOT ở lĩnh vực nhiệt điện than là vô cùng rủi ro, phải hết sức thận trọng.

Ông chỉ rõ: "Xây dựng BOT nhiệt điện than nghĩa là doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, sau đó thực hiện khai thác trong khoảng thời gian 15-20 năm, khi đã hoàn được vốn họ sẽ chuyển giao dự án lại cho Việt Nam quản lý và vận hành.

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu dự án không được quản lý, thẩm định tốt, công nghệ lạc hậu được tuồn vào, chất lượng công trình kém, như vậy, khi Việt Nam tiếp nhận nhà máy chỉ còn là cục sắt gỉ, tiếp tục vận hành sẽ càng nguy hiểm, không hiệu quả mà không vận hành thì thua lỗ".

Kiểm soát chặt các dự án

Đặt trong bối cảnh chi phí đầu tư của năng lượng sạch còn ở mức cao trong khi giá điện vẫn chưa phù hợp với giá thành thì việc thay thế ngay nhiệt điện than là chưa thể, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam cho rằng, sự thận trọng của Bộ KH-ĐT sẽ giúp loại bỏ bớt những dự án kém chất lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Hiện nay với hầu hết các dự án nhiệt điện than, công nghệ đều được nhập ở nước ngoài vì mình chưa sản xuất được gì, từ lò hơi, tuôcbin... Do đó, nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than nghĩa là vẫn phải nhập thiết bị, công nghệ, nhưng công nghệ thấp và rẻ thì tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm nhiều.

Đặc biệt hiện nay, xu hướng phát triển nhiệt điện than trên thế giới đang giảm mạnh mẽ, Việt Nam không thể thờ ơ với những mối quan ngại chung của toàn cầu.

PGS Nguyễn Minh Duệ cho biết, dù vẫn còn một số nước đang đi theo xu hướng phát triển nhiệt điện than như Nhật Bản, tuy nhiên đây là lựa chọn bất đắc dĩ do nước này buộc phải chuyển đổi từ nhà máy sản xuất hạt nhân nguyên tử sang nhiệt điện.

Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉ lệ phát triển nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn với hơn 40%, trong khi điện gió và mặt trời chỉ chiếm 1-2%. Vì thế, việc thẩm định, xem xét cấp phép cho dự án phải được cân nhắc rất thận trọng. Thái độ của Bộ Công thương chính là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu một thời kỳ thu hút đầu tư nhiệt điện than không còn chạy theo giá rẻ, công nghệ thấp... nữa.

Tuy nhiên, về phía Bộ Công thương đã đưa ra những quy định để quản lý nhiệt điện than, nhưng có vấn đề quan trọng là phải thẩm định các dự án, bao gồm thẩm định khi lập dự án đầu tư và thẩm định về đấu thầu, tránh tình trạng thẩm định không kỹ để các nhà đầu tư nhập thiết bị không đúng, giá rẻ vào thì sẽ ảnh hưởng.

Dù đã có quy định nhưng vẫn cần phải hoàn thiện và bổ sung chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt trong việc cấp phép xây dựng, vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Cần đưa ra yêu cầu bắt buộc các dự án phải có công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu về phát thải môi trường phải được tuân thủ, tránh phê duyệt dự án theo lợi ích nhóm.

Tiếp đến, hiện nay với hầu hết các dự án nhiệt điện than, công nghệ đều được nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là công nghệ lạc hậu, rẻ, tiêu hao nhiều năng lượng, hiệu suất thấp, gây ô nhiễm môi trường... Điều này phải đặc biệt được lưu ý để tránh tình trạng biến Việt Nam trở thành bãi rác thải công nghệ của thế giới.

Vấn đề nữa, về hiệu quả kinh tế không cao do giá thành sản phẩm không rẻ như kỳ vọng.

Giá thành cho mỗi kWh nhiệt điện than không chỉ phụ thuộc vào suất đầu tư mà còn phụ thuộc vào giá than. Giá than nhập khẩu càng cao, chi phí giá thành nhiên liệu cũng tăng.

Chưa kể, giá thành nhiệt điện còn phải được tính đầy đủ từ những chi phí ngoại biên, những tác động gây ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than như phát thải khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, gây bụi, khói và các chất thải khác làm ảnh hưởng sức khỏe con người và xã hội...

Bộ KH-ĐT từ chối BOT nhiệt điện Vũng Áng II: Dũng cảm

Nếu tính sòng phẳng trong giá thành nhiệt điện than các chi phí giá thành cần phải đưa vào thì, chắc chắn giá nhiệt điện than sẽ không thấp như hiện nay. Thậm chí, ngay cả khi chưa đưa chi phí này vào thì giá thành cũng đang có xu hướng cao hơn điện gió và mặt trời được đầu tư ở vùng tốt... Vì vậy, Bộ KH-ĐT và Bộ Công thương khi xem xét cấp phép cho dự án phải tính tới cả những yếu tố này.

"Song song với việc siết chặt đầu tư, hạn chế cấp phép cho các dự án BOT nhiệt điện kém chất lượng, Việt Nam phải đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo. Cần có các đơn vị nghiên cứu khoa học, tạo ra những thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, giá thành thấp.

Đồng thời phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo", PGS Nguyễn Minh Duệ nói.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-kh-dt-tu-choi-bot-nhiet-dien-vung-ang-ii-sang-suot-3361357/