Bộ Khoa học và Công nghệ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng 30-11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Cùng dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và khoảng 2.000 đại biểu.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và của ngành KH&CN.

Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4-3-1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 60 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, Bộ KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ KH&CN, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ (KHCN) trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành KH&CN, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho KHCN nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng... Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, KHCN ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý Nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong tổng chi ngân sách cho KHCN, trong đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực, 52/48 so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước. Hệ thống các tổ chức KHCN phát triển mạnh, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức KHCN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/1 vạn dân, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín đã được thế giới công nhận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng nêu rõ ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng KHCN mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc.

“Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên nhưng cũng có những nước không có tài nguyên mà vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao”, Thủ tướng nói. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là KHCN. Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy nhưng chúng ta lại có tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta.

Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đang đi đúng hướng và tích cực, thể hiện ngày càng giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,5% giai đoạn 2016-2020.

KHCN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

"Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm.

Thủ tướng chỉ rõ, cần phải xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KHCN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ KH&CN và đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu KHCN. Thủ tướng cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển KHCN nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung. Trước hết, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KHCN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KHCN phù hợp với cơ chế thị trường.

Quang cảnh buổi lễ.

Thứ hai là phát huy vai trò tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà doanh nghiệp đòi hỏi và cải tiến phương thức giáo dục ứng dụng lý thuyết KHCN vào các mục tiêu thực tiễn. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho KHCN, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN. Cơ cấu lại các chương trình, các nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Thứ ba là tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Coi trọng hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong đổi mới đầu tư vào KHCN. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KHCN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp với Cuộc cách mạng 4.0. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.

Thứ tư là đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KHCN, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.

Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.

Hiện nay chúng ta có khoảng 300.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, là cầu nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới nếu chúng ta biết cách huy động. Hơn bao giờ hết nền tảng công nghệ hiện nay có thể giúp các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối và hợp tác với các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài hết sức thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ năm là xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và phát huy công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, đổi mới sáng tạo để làm căn cứ hoạch định chính sách, có cơ chế, chính sách đột phá để nâng cao năng lực và chất lượng nhân sự làm việc trong khu vực công về đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm 60 năm thành tựu Khoa học và Công nghệ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc triển lãm 60 năm thành tựu KH&CN với 60 gian hàng của các doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải...

Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập cũng là dịp để tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&CN qua các thời kỳ; đồng thời, điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua, thể hiện quyết tâm đoàn kết, đưa nền KH&CN của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ôn lại lịch sử và phát triển của Bộ KH&CN.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, 60 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước ở ngày đầu thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 cho đến nay là Bộ KH&CN; nhưng dù với tên gọi nào thì Bộ cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển KH&KT và hiện nay là KH,CN&ĐMST.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước ta hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà KH-CN, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm...

Tin, ảnh: VĂN PHONG - LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-nhat-603934