Bộ LĐ-TB-XH còn nợ câu trả lời

Theo Nghị định 14/2017/NĐ-CP, một trong những nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) là hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; quy định việc bồi thường tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp; trợ cấp TNLĐ…

Thế nhưng, hơn 1 năm qua, bộ vẫn không trả lời câu hỏi của BHXH Việt Nam liên quan đến việc giải quyết quyền lợi cho người lao động (NLĐ) bị TNLĐ.

Đó là câu hỏi về trường hợp của chị Biện Thái Ngọc Huyền, công nhân may thuộc Công ty TNHH Hansae Vina (huyện Củ Chi, TP HCM). Ngày 26-2-2016, chị Huyền bị té trong nhà xưởng khi đang làm việc, phải nhập viện điều trị vết thương với chẩn đoán gãy xương bánh chè phải. Sau đó, chị Huyền được hội đồng giám định y khoa (HĐGĐYK) kết luận tổn thương cơ thể do TNLĐ 15% và được BHXH TP HCM giải quyết chế độ TNLĐ một lần theo Quyết định 157/QĐ/BHXH ngày 1-8-2016.

Công nhân Công ty TNHH Hansae Vina trong giờ làm việc

Công nhân Công ty TNHH Hansae Vina trong giờ làm việc

Tháng 12-2016, do vết thương còn đau, chị Huyền đi điều trị tiếp. Kết quả chụp MRI chẩn đoán chị bị đứt dây chằng chéo trước gối phải, đây là thương tích chưa phát hiện ra khi điều trị TNLĐ lần đầu. Khi điều trị ổn định, chị Huyền đi giám định thương tật lần 2 và được HĐGĐYK kết luận: "Tỉ lệ tổn thương cơ thể tổng hợp do chấn thương đứt dây chằng chéo trước gối phải và TNLĐ đã giám định trước đó là 33%".

Ngày 6-6-2017, sau khi nhận được đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ (theo kết quả giám định lần hai) cho NLĐ từ Công ty TNHH Hansae Việt Nam, BHXH TP HCM đã có Văn bản 1129/BHXH-CĐBHXH gửi HĐGĐYK TP đề nghị xác định trường hợp của chị Huyền là khám giám định lần đầu hay thuộc trường hợp TNLĐ tái phát để có cơ sở giải quyết theo quy định. Ngày 5-7-2017, HĐGĐYK có Văn bản 96/TTGĐYK-PK trả lời: "Tình trạng thương tích đứt dây chằng chéo trước gối phải của chị Huyền được phát hiện sau khi đã giám định TNLĐ là do lần đầu chưa phát hiện ra, chỉ khi chụp MRI do đau kéo dài điều trị liên tục mới chẩn đoán được, tức là thương tích còn sót. Thương tích còn sót không có trong giấy chứng nhận thương tích lần đầu theo giấy ra viện ngày 3-6-2016. Kết quả giám định ngày 20-4-2017 nếu được BHXH TP xem xét là tổng hợp các thương tích của TNLĐ lần đầu".

Sau đó, BHXH TP đã gửi văn bản cho BHXH Việt Nam hỏi về việc có thể căn cứ vào biên bản giám định thương tật ngày 20-4-2017 của HĐGĐYK để giải quyết chế độ TNLĐ hằng tháng cho chị Huyền được không?

Ngày 20-9-2017, BHXH Việt Nam đã gửi văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn giải quyết trường hợp này. Trong văn bản nêu: "Tỉ lệ tổn thương cơ thể do TNLĐ là 33% không phải do vết thương tái phát mà do chấn thương lần đầu chưa được phát hiện và điều trị đầy đủ, tức là thương tích còn sót lại, chưa được khám trong lần giám định thứ nhất. Mặt khác, đối chiếu với quy định tại điều 14 Thông tư 14/2016/TT-BYT, trường hợp bà Huyền chưa đủ điều kiện về thời gian 2 năm để khám giám định do vết thương tái phát. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị bộ xem xét cho ý kiến bà Huyền có được giải quyết chế độ TNLĐ theo trường hợp thương tật tái phát không?".

Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được bộ trả lời.

"Theo quy định, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ khi bị TNLĐ. Thế nhưng, nay tôi bị TNLĐ với thương tật 33% lại không được giải quyết quyền lợi mà không rõ lý do. Điều này không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng của tôi mà còn khiến tôi mất niềm tin vào chính sách BHXH. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời thỏa đáng để tôi an tâm làm việc, cống hiến và tiếp tục tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội của nhà nước" - chị Huyền mong mỏi.

Hương Huyền

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/bo-ld-tb-xh-con-no-cau-tra-loi-20181209213129922.htm