Bộ luật Lao động (sửa đổi): Giải quyết bất cập về bình đẳng giới

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Úc và Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tổ chức Hội thảo tham vấn 'Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động.

Lao động nữ vẫn thiệt thòi về thu nhập so với lao động nam.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: Về cơ bản, Bộ luật Lao động hiện hành đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có quy định riêng cho lao động nữ như thai sản, bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới nên chưa đảm bảo về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình.

Thực tế sau gần 5 năm thực hiện, Bộ luật Lao động 2012 đã phát huy tác dụng, là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của người lao động, song cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp. Bất cập về bình đẳng giới là có quyền chưa được xác lập đầy đủ. Ví dụ như quyền bình đẳng của lao động nam và lao động nữ trong thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính (Điều 159), quyền của người lao động tự quyết định làm các công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (Điều 160).

Bên cạnh đó vẫn còn những quy định chưa thật hợp lý như quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động, dẫn đến tính khả thi của luật không cao, quyền lợi của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động chưa được tính đến đầy đủ...

Từ những bất cập trên, ông Hà Đình Bốn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH cho biết: Dự thảo luật sửa đổi “có nhiều nội dung cơ bản thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó dành hẳn một chương về lao động nữ theo tinh thần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ người lao động nữ khi thực hiện chức năng sinh sản, làm mẹ. Hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, thu hẹp khoảng cách trong quan hệ lao động…

Cụ thể, Dự thảo đã đưa các phương án sửa đổi về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Đặc biệt lao động nữ mang thai cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do “phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền”. Ngược lại, chủ sử dụng lao động lại không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản. Cùng với việc bố trí việc làm nhẹ nhàng hơn cho lao động nữ mang thai, chủ sử dụng lao động không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa nếu lao động nữ mang thai không đồng ý.

Đóng góp ý kiến về lồng ghép bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bà Bùi Thị An- Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho biết, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ quyền của nam giới và nữ giới được bình đẳng trong mọi quyền lợi, trong đó có quyền làm việc. Vì vậy, trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cần quy định quyền làm việc như nhau, tuổi nghỉ hưu như nhau.

“Chúng ta không nên tiếp cận phương án là tuổi nghỉ hưu nữ luôn luôn phải thấp hơn nam. Tôi không cào bằng nhưng cho rằng phải thay đổi hướng tiếp cận đó là quyền làm việc như nhau. Vì sao như vậy? Bởi tình hình kinh tế Việt Nam phát triển, mọi điều kiện về dịch vụ khá hơn nhiều, phụ nữ được đào tạo như nam giới và tuổi thọ phụ nữ bình quân hơn nam giới 3 tuổi. Vậy vì sao phụ nữ phải nghỉ hưu trước nam giới”- bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, bà Astrid Bant- Quyền Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới, nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thời điểm Việt Nam thực hiện bước tiến tốt hơn nữa để phát triển nền kinh tế, dựa vào năng suất lao động cao và tạo ra việc làm thỏa đáng.

Chính vì vậy cần nhấn mạnh lợi ích của bình đẳng giới trong lao động và những nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng giới về cơ hội và đối xử giữa lao động nam và lao động nữ trong Bộ luật Lao động. Theo đó, việc sửa đổi Luật Lao động sẽ tăng cường khuôn khổ pháp lý của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của lao động nữ, đảm bảo việc làm thỏa đáng cho lao động Việt Nam, xây dựng được lực lượng lao động ổn định, có chất lượng cao trong thế giới đang có nhiều thay đổi.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/bo-luat-lao-dong-sua-doi-giai-quyet-bat-cap-ve-binh-dang-gioi-tintuc420438