Bộ máy cồng kềnh thế, dân nuôi sao nổi?

Theo tính toán của một chuyên gia tên tuổi ngành Luật học thì cứ 9 người Việt Nam phải 'gánh' một người hưởng lương, chế độ nhà nước.

Ảnh minh họa

Đó đương nhiên là một nghịch lý khó chấp nhận ở một đất nước cần phát triển nhưng nghịch lý này làm nảy sinh một nghịch lý khác trên thực tế, đó là cái người được 9 người “gánh” này lại là thành phần xã hội thuộc loại trung lưu, khá giả hơn những người đang “gánh” ông ta và cả gia đình ông ấy. Chưa có một điều tra xã hội chính thức nào cũng không có một thống kê chính xác nào nhưng chỉ bằng mắt thường, chúng ta cũng nhận ra điều đó, một bộ phận cán bộ có nhiều tài sản, càng lên cao, khối tài sản đó càng phình to.

Nghịch lý “9 người nuôi một người” này không phải bây giờ mới phát hiện ra, đã từ lâu, có người chỉ ra hiện trạng: Bộ máy cồng kềnh thế, dân nuôi sao nổi. Ai cũng thừa nhận thực trạng này, song để “xắn tay áo” lên giải quyết, xóa bỏ nghịch lý thì ai cũng không dám, nếu có, chỉ là hô khẩu hiệu. Hiện tại, tình hình đã khác đi khi vấn đề cán bộ và bộ máy được nhìn nhận bằng sự khách quan và công bằng, đã có hẳn những nghị quyết về chấn chỉnh lại bộ máy, vấn đề tinh giản, tinh gọn được đưa ra một cách quyết liệt và thực tế đã có bộ, ngành, địa phương triển khai và bước đầu thu được kết quả khá khả quan, gieo mầm hy vọng về các nghịch lý sẽ bị xóa bỏ trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nghịch lý vẫn tồn tại như một căn bệnh “thâm căn, cố đế” khi những nỗ lực đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy dường như là một điều không thể. Khi sự hợp lý trong vận hành bộ máy là càng lên trên thì sự vụ càng ít đi và chỉ tập trung vào vấn đề lớn, mang tầm “đại sự quốc gia” thì ở ta, càng cấp trên công việc càng nhiều, một việc thuộc chuyên môn nhỏ cũng làm công văn xin ý kiến cấp bộ, rất nhiều rắc rối bị đẩy lên trên và nhiều việc thuộc thẩm quyền địa phương cũng chờ “ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”.

Từ đây, lại nảy sinh một nghịch lý khác là những việc thuộc chức năng của cơ quan hay chính quyền địa phương thì Chính phủ phải chỉ đạo bằng văn bản thì mới làm, người đứng đầu Chính phủ từng chỉ ra hiện trạng này và gọi đó là thứ văn hóa “không nhúc nhích”!

Ngay cả có “cuộc cách mạng trong tinh gọn bộ máy” xảy ra tại Bộ Công an thì đâu đó lại phát sinh (hoặc tồn tại) nghịch lý: Công an cấp tỉnh có tới 8 vị Phó Giám đốc, còn cỡ 4 - 5 cấp phó là chuyện bình thường. Các tướng lĩnh Công an tự nguyện về hưu sớm được dư luận cổ vũ song nhiều người không lấy đó làm gương mà bịt tai giả điếc, coi như không liên quan gì đến mình.

Cũng đã đến lúc chấm dứt nghịch lý “đấm bị bông” nén chỗ này, phồng chỗ khác trong công tác tổ chức cán bộ, cái tình át cái lý trong giải quyết chế độ, phân công công tác. Hãy để những người không xứng đáng với cương vị của mình tham gia vào đội ngũ “9 người nuôi một người”, vừa tăng số lượng người “gánh”, đồng thời giảm đi đáng kể những người được “gánh”.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/bo-may-cong-kenh-the-dan-nuoi-sao-noi-d76405.html