Bộ máy tổ chức xáo trộn gây gián đoạn trong việc thực hiện Đề án 818 tại Nam Định

Theo lãnh đạo ngành Dân số Nam Định, từ 1/1/2019, tình hình tổ chức bộ máy ở cơ sở có sự thay đổi nên hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn.

Sau khi Bộ Y tế ban hành Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (gọi tắt là Đề án 818), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nam Định đã tham mưu Sở Y tế ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Đề án 818 tại Nam Định và Kế hoạch thực hiện Dự án "Xây dựng và thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020".

Đề án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Nam Định với 10 huyện, thành phố và 229 xã phường thị trấn trong đó ưu tiên tập trung vào khu vực thành thị và nông thôn phát triển.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án 818 và khai trương Phòng tư vấn và cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản tại thành phố Nam Định; phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Nam Định trong việc bán sản phẩm tại Phòng tư vấn và cung ứng cho khách hàng có nhu cầu.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị truyền thông về Đề án 818; chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố truyền thông lồng ghép với các hoạt động khác trong chương trình dân số về chuyển đổi hành vi đối với các nhóm đối tượng trực tiếp sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản và các nhóm đối tượng có tác động tích cực trực tiếp đến người sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản.

Tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Nam Định. Ảnh TL

Ngoài ra, chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thúc đẩy sản phẩm và sự kiện truyền thông đối với từng nhãn sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường.

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định, từ ngày 1/9/2016 đến 31/12/2018, Chi cục đã tiếp nhận và cung ứng 1.992 vỉ thuốc uống tránh thai Anna; 144.000 chiếc bao cao su Hello; 11.520 chiếc bao cao su Hello Plus; 1320 hộp viên sắt và vi chất Prenatal, 1.628 lọ dung dịch vệ sinh đa năng Gynopro và 1.860 lọ dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis với tổng giá trị sản phẩm là 545.246.100 đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Dân số Nam Định, từ 1/1/2019, tình hình tổ chức bộ máy ở cơ sở có sự thay đổi nên hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn. Cụ thể, Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện sát nhập vào Trung tâm Y tế thành Trung tâm Y tế đa chức năng. Do đó, Chi cục DS-KHHGĐ đã thu hồi toàn bộ sản phẩm còn tồn chưa bán được chuyển lại cho Ban quản lý với tổng giá trị sản phẩm là 130.405.054 đồng.

Sau khi ổn định tổ chức bộ máy, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định đã đăng ký số hàng hóa là: 240 lọ dung dịch vệ sinh đa năng Gynopro và 2.040 lọ dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis với tổng giá trị sản phẩm là 94.320.000 đồng.

Đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai Đề án 818 trên địa bàn tỉnh, theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định, công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản là đề án mới, trong khi trước đây người dân đã quen với việc được cấp miễn phí các phương tiện tránh thai. Đây chính rào cản lớn trong việc triển khai xã hội hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản.

Cùng với đó, tổ chức bộ máy thiếu ổn định đã khiến việc phân phối sản phẩm trong Đề án bị gián đoạn. Ngoài ra, một số sản phẩm thuộc Đề án xã hội hóa mức giá còn cao chưa phù hợp với đối tượng vùng nông thôn. Mặt khác, một số sản phẩm phân phối trong Đề án được người dân tin dùng lại chưa được đáp ứng kịp thời khi Chi cục Dân số - KHHGĐ đăng ký mua sản phẩm hàng hóa.

Vì vậy, theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định, thời gian tới, Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương cần tăng cường công tác hướng dẫn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý đề án về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và các dịch vụ KHHGĐ/SKSS; nâng cao kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng.

Đồng thời đàm phán với các nhà phân phối sản phẩm của Đề án có cơ chế bố trí sản phẩm để cấp phát miễn phí cho các khách hàng tiềm năng dùng thử để mang lại hiệu quả cao hơn trong bán hàng.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bo-may-to-chuc-xao-tron-gay-gian-doan-trong-viec-thuc-hien-de-an-818-tai-nam-dinh-172211212193045537.htm