Bố mẹ làm tốt 5 việc này thì không lo trẻ bị nhiễm ký sinh trùng

Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng không những cản trở quá trình trưởng thành và phát triển mà còn phát sinh nhiều bệnh tật khác. Bố mẹ nên làm gì để điều trị và phòng ngừa?

Những triệu chứng điển hình giúp bố mẹ sớm phát hiện trẻ bị nhiễm ký sinh trùng

Tùy độ tuổi, thể trạng của trẻ cũng như loại ký sinh trùng bị nhiễm mà có những triệu chứng khác nhau. Mặc dù vậy, đa số trẻ bị nhiễm ký sinh trùng sẽ thường có những biểu hiện điển hình phổ biến như sau:

· Trẻ thường xuyên kêu ngứa hậu môn và dùng tay gãi liên tục

· Xuất hiện tình trạng đau bụng hoặc cảm giác không thoải mái dù không liên quan đến vấn đề ăn uống hay bệnh tật

· Ban đêm trẻ ngủ không yên giấc, thường lăn lộn, dễ giật mình khóc quấy

· Trẻ biếng ăn, thậm chí xuất hiện chứng nghiện ăn một thứ khác lạ

· Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng cũng hay nghiến răng khi ngủ

· Tốc độ tăng trưởng của trẻ bị chậm rõ rệt, ăn nhiều cũng không béo, chiều cao cũng không phát triển bình thường như bạn cùng trang lứa

· Da ngứa ngáy, có thể nổi sần hoặc những nốt đỏ không do côn trùng đốt

· Sốt nhẹ kèm theo nôn ói

· Một số trẻ lại thèm ăn bất thường, ăn rất nhiều nhưng thể trọng lại rất nhẹ, thậm chí có xu hướng sụt cân

Nếu trẻ có từ 2 triệu chứng trở lên và không có dấu hiệu bất thường nào khác thì bố mẹ nên cân nhắc đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm ký sinh trùng, sớm điều trị để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ.

Bố mẹ nên làm tốt 5 việc này để hạn chế trẻ bị nhiễm ký sinh trùng

Rèn cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Một trong những điều kiện khiến trẻ bị nhiễm ký sinh trùng chính là lây lan từ bàn tay. Rất nhiều gia đình không quan tâm đầy đủ đến vấn đề dạy trẻ rửa tay sạch sẽ, đến khi trưởng thành sẽ rất khó thay đổi.

Tay thường tiếp xúc với nhiều vật dụng, trong quá trình này có thể khiến ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm bệnh bám vào và đi vào cơ thể trẻ qua đường ăn uống hoặc ngoáy mũi, dụi mắt v.v… Đặc biệt, trước khi ăn cơm hay sau khi đi vệ sinh, người lớn nên làm gương và tập cho trẻ có thói quen tốt này.

Gia đình nên có sẵn xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có tính sát khuẩn

Trứng của ký sinh trùng không dễ dàng rửa sạch bằng nước. Vì vậy, để tăng cường phòng ngừa trẻ bị nhiễm ký sinh trùng, bố mẹ nên mua riêng cục xà bông hay chai nước rửa tay sát khuẩn và hướng dẫn trẻ sử dụng.

Không nên cho trẻ ăn các món thịt chưa nấu chín hẳn

Một số ký sinh trùng thường có trong các cơ thịt động vật, nếu nhiệt độ chưa đủ thì trứng của chúng sẽ không bị tiêu diệt. Trẻ ăn các món thịt chưa nấu thật chín sẽ dễ đưa ký sinh trùng vào cơ thể. Chúng không ngừng sinh sôi và phát triển gây nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ.

Tẩy giun định kỳ cho trẻ

Ngay khi trẻ đủ tuổi để uống thuốc tẩy giun, bố mẹ cần duy trì thói quen này trong suốt quá trình trẻ trưởng thành và phát triển. Chú ý nên cho trẻ uống lúc bụng rỗng để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc.

Chú ý các vật nuôi

Các thú cưng như chó mèo đều là những người bạn tuyệt vời của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cần đảm bảo chúng được tắm rửa sạch sẽ, tẩy giun định kỳ theo chỉ định của bác sĩ thú y. Nhà cửa có nuôi động vật cũng nên vệ sinh thường xuyên, hạn chế nguy cơ trẻ bị nhiễm ký sinh trùng.

Thiên Khuê (Theo Familydoctor)

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/nuoi-con/bo-me-lam-tot-5-viec-nay-thi-khong-lo-tre-bi-nhiem-ky-sinh-trung-20210905192827218.htm