Bộ môn Phát Triển Khởi Nghiệp - Đại học FPT HCM tổ chức chuỗi sự kiện Seminar về Startup

Mục đích của chuỗi Seminar Start-up nhằm tạo cơ hội, nâng cao tinh thần Khởi nghiệp cho sinh viên, từ trình bày ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến mô hình hoạt động, kết quả kinh doanh dự kiến đến kỹ năng thuyết phục, gọi vốn trước các nhà đầu tư.

Bộ môn Khởi nghiệp thuộc trường Đại học FPT HCM đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối sinh viên với nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực Startup.

Thạc sĩ Đồng Quin, Giảng viên Bộ môn Phát triển Khởi nghiệp - Trưởng ban tổ chức chuỗi Seminar Startup cho biết sự kiện năm nay được khởi động trở lại sau thành công của chuỗi Seminar Start-up kỳ Fall 2022, hứa hẹn tại mùa 2 cũng sẽ chứa đựng nhiều bài học vô cùng quý giá. Mở đầu cho sự trở lại của chuỗi Seminar Start-up là một chủ đề rất quan trọng đối với các bạn đang có ý định khởi nghiệp: "MARKET RESEARCH" với diễn giả khách mời Lê Yên Thanh - nhà sáng lập BusMap.

Sự xuất hiện của diễn giả Yên Thanh, một trong những người đạt danh hiệu Forbes Under 30 tại Việt Nam, là một sự kiện đáng chú ý cho cộng đồng khởi nghiệp. Yên Thanh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình về việc tìm kiếm và xây dựng một ý tưởng, nghiên cứu thị trường, quản lý tài chính và phát triển một doanh nghiệp thành công.

Đại học FPT đưa Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy

Từ học kỳ Srping 2022, môn Trải nghiệm Khởi nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo chính quy và bắt buộc cho tất cả sinh viên Đại học FPT. Nhà trường kỳ vọng, thông qua môn học này, sinh viên sẽ được trang bị nền tảng kiến thức thực chiến về sáng tạo - khởi nghiệp, từ đó, sinh viên có tư duy nhạy bén để phát hiện và tận dụng cơ hội trong xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Phương pháp dạy học là tự lĩnh hội kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế, trau dồi khả năng kiến tạo. Thông qua các trải nghiệm thực tế, sinh viên được tiếp cận, nhận được sự chia sẻ, hướng dẫn từ các Mentor là các Startup Founder, Quỹ đầu tư và các C-Level trong network của trường đại học FPT với các doanh nghiệp Startup.

Khi đưa môn học này vào chương trình đào tạo, nhà trường mong muốn tạo cho sinh viên môi trường học tập thực tiễn, tiếp xúc tốt nhất và nhanh nhất với quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh giảng dạy kiến thức thực chiến, sinh viên được tự do phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình cùng với bạn bè chung chí hướng, được gặp gỡ, xây dựng network và đặc biệt là được đồng hành cùng các Startup Founder và các nhà đầu tư danh tiếng. Từ đó, sinh viên có thêm tự tin, mạnh dạn nắm bắt cơ hội và dấn thân khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Các nước trên thế giới cũng đã bắt đầu đưa môn học Khởi nghiệp vào trường học. Hòa chung trong xu thế đó, đại học FPT đưa môn học này vào chương trình đào tạo nhằm kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp và sinh viên, trau dồi những kiến thức và kỹ năng quý báu cho hành trình khởi nghiệp của sinh viên sau này. Những tấm gương khởi nghiệp thành công của các cựu sinh viên Đại học FPT: Trần Trung Hiếu – Fouder & CEO Top CV, Võ Đông Tuấn Đạt Fouder & CEO Plusteam Global, Hoàng Trung Thiên Vương - Co-Founder & CMO Base.vn… đã tiếp thêm lửa cho các bạn sinh viên Đại học FPT - thế hệ khởi nghiệp kế cận.

Tiến sĩ Phan Gia Hoàng – Chủ nhiệm Bộ môn phát triển Khởi nghiệp Đại học FPT, người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Bộ môn Phát Triển Khởi nghiệp dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình trong thời gian ông làm việc, khởi nghiệp và tư vấn tại các Tập đoàn lớn Rolls-Royce, Panasonic, Ernst & Young (EY)… mong muốn Bộ môn cung cấp các môn học có tính áp dụng thực tiễn cao xuất phát chính từ các dự án do sinh viên tự đặt ra dưới sự hướng dẫn bởi đội ngũ Mentor, Giảng viên tâm huyết cùng mục đích bám sát sứ mệnh, triết lý giáo dục và mục tiêu của nhà trường với mong muốn sẽ tạo ra một thế hệ sẵn sàng dấn thân, đương đầu với thử thách để hiện thực hóa giấc mơ của mình, đưa trí tuệ Việt vươn tầm thế giới.

H.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-mon-phat-trien-khoi-nghiep-dai-hoc-fpt-hcm-to-chuc-chuoi-su-kien-seminar-ve-startup-192961.html