Bộ Ngoại giao Cuba phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ. Nguồn:TTXVN

* Cải cách hệ thống tiền tệ của Cuba chính thức có hiệu lực

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 1/1, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez đã lên tiếng phản đối việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Ngân hàng Tài chính quốc tế của đảo quốc Caribe này vào danh sách cấm các tổ chức và công dân Mỹ giao dịch.

Ông Rodríguez khẳng định biện pháp trừng phạt đơn phương và trái phép mới này tiếp tục siết chặt cuộc bao vây, cấm vận trong suốt 62 năm qua của Mỹ chống Cuba nhằm công khai bóp nghẹt nền kinh tế và thay đổi chế độ tại “hòn đảo tự do”.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra thông cáo cho biết biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2021, sau khi Bộ Ngoại giao nước này công bố danh sách cập nhật các tổ chức Cuba bị trừng phạt do bị cho là nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Các lực lượng vũ trang Cuba (MINFAR).

Ngày 30/12, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel và Bộ trưởng Rodríguez cũng đã tố cáo ý định của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách do cơ quan này công bố định kỳ về các nước bảo trợ khủng bố.

* Từ ngày 1/1, Chính phủ Cuba bắt đầu triển khai cải cách tiền tệ, với hy vọng cải thiện kinh tế đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và Mỹ siết chặt lệnh cấm vận đối với đảo quốc Caribe này.

Kể từ tháng 10 vừa qua, Cuba đã thông báo về kế hoạch thống nhất tiền tệ, kế hoạch nằm trong Chiến lược Kinh tế-Xã hội của quốc gia vùng Caribe này, bao gồm việc xóa bỏ hệ thống tiền tệ kép và hối đoái, xóa bỏ một phần các khoản trợ cấp quá mức và không phù hợp, cũng như thay đổi trong thu nhập của người lao động và chế độ hưu trí. Chính quyền Cuba thiết lập tỷ giá hối đoái 24 peso nội tệ đổi 1 USD. Đồng peso chuyển đổi sẽ ngừng lưu hành vào cuối tháng 6 tới.

Những hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản, trong khi các doanh nghiệp quốc doanh báo lỗ do cải cách tài chính sẽ được nhận trợ cấp chính phủ trong một năm. Bên cạnh đó, Cuba cũng nâng gấp 5 lần mức lương trung bình, lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội.

Từ năm 1994 tới nay, Cuba đã lưu hành song song đồng peso Cuba và đồng peso chuyển đổi. Hệ thống tiền tệ kép này giúp tạo thuận lợi cho những người hoạt động trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và ngoại thương, nhưng lại gây ra khó khăn cho những người dân phải nhận lương bằng đồng peso.

Các chuyên gia kinh tế nhận định cải cách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến người dân Cuba trong thời gian ngắn, song sẽ đóng vai trò quan trọng trong dài hạn bởi việc tồn tại nhiều tỷ giá khác nhau sẽ khiến nền kinh tế khó vận hành thực sự.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250701/bo-ngoai-giao-cuba-phan-doi-cac-bien-phap-trung-phat-moi-cua-my.html