Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ trích Ả Rập Saudi về việc cấm vận Qatar

Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ trích Ả Rập Saudi và các đồng minh vùng Vịnh, cho rằng không thể bào chữa việc họ quyết định cấm vận Qatar ngày 5.6. Động thái này cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ có quan điểm trái ngược với Tổng thống Donald Trump vốn hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm vận quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và người đồng cấp Qatar - Ảnh: AP

Ngày 20.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: "Đã hơn hai tuần sau khi lệnh cấm vận Qatar bắt đầu, chúng tôi bối rối trước việc các nước vùng Vịnh không công bố chi tiết cho mọi người và công dân Qatar về những cáo buộc đối với Qatar. Thời gian càng trôi qua, càng có sự nghi ngờ nổi lên về những hành động của Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)”.

Bà Nauert còn nói: “Đến lúc này, chúng tôi chỉ có một câu hỏi là phải chăng những hành động thật sự là vì họ lo ngại việc Qatar được cho là ủng hộ khủng bố? Hay vì lâu nay có sự bất mãn trong các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)?”.

Hai quan chức Ngoại giao - Quốc phòng có quan điểm trái ngược với Tổng thống Trump

Theo báo Guardian, vụ chỉ trích công khai này cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ có quan điểm trái với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm vận, cáo buộc Qatar tài trợ ở mức cao nhất cho khủng bố. Lời chỉ trích tiếp sau việc Bộ này cùng Bộ Quốc phòng theo đuổi các chính sách đối ngoại ngược với những tuyên bố của chủ Nhà Trắng.

Ông Trump đã chọn Ả Rập Saudi là điểm công du nước ngoài của ông vào ngày 20.5. Hai tuần sau, Ả Rập Saudi tuyên bố cấm vận Qatar với lý do Qatar thân thiện với Iran, ủng hộ các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, Al-Qaeda và Anh em Hồi giáo (ở Ai Cập) cũng như gây bất ổn cho vùng Trung Đông. Tuy nhiên, Qatar đã phủ nhận các cáo buộc.

Ông Trump cũng có những tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận, đề cao việc Ả Rập Saudi nói phải trừng phạt Qatar vì “chống lưng” khủng bố. Trên Twitter ngày 6.6, ông Trump viết chuyến đi Ả Rập Saudi của ông là “đáng giá”. 3 ngày sau tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố: “Đáng tiếc là Qatar có truyền thống tài trợ khủng bố ở mức cao nhất. Chúng ta phải chấm dứt chuyện tài trợ khủng bố”.

Nhưng tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ký một thỏa thuận, bán 36 chiến đấu cơ F-15 trị giá 12 tỉ USD cho Qatar. Lầu Năm Góc tuyên bố lệnh cấm vận Qatar cản trở khả năng Mỹ lên kế hoạch hoạt động lâu dài ở vùng Vịnh.

Căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar hiện là bộ chỉ huy không kích bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Hơn 11.000 quân Mỹ và liên quân đóng ở căn cứ này.

Ngoại trưởng Mỹ không làm trung gian hòa giải nữa

Trong phát biểu ngày 20.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Naurert bác bỏ rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson chọn cách làm việc “chỏi” với chủ trương của Tổng thống Mỹ. Bà nói: “Tôi nghĩ Tổng thống và Ngoại trưởng đều muốn vụ này được giải quyết. Họ muốn kết quả và chờ xem vụ này được giải quyết nhanh chóng”.

Bà Naurert nói thêm rằng Ngoại trưởng Tillerson không nghĩ cần hành động như một nhà trung gian hòa giải cho vụ tranh chấp giữa Ả Rập Saudi và đồng minh vùng Vịnh của nước này với Qatar. Trong suốt 2 tuần sau lệnh cấm vận, ông Tillerson đã đứng ra hòa giải với các lãnh đạo vùng Vịnh. Đích thân ông đã có 3 cuộc nói chuyện qua điện thoại cùng 2 cuộc nói chuyện trực tiếp với Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, 3 cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Qatar và Tiểu vương Qatar.

Nhưng đã đến lúc ông Tillerson không thể tiếp tục công việc này. “Vài tuần trước, Tổng thống yêu cầu Ngoại trưởng làm nhưng đến nay chúng tôi nghĩ không cần thiết nữa. Chúng tôi cho rằng qua các cuộc nói chuyện của Ngoại trưởng với các nước đó và nghe họ nói những điều họ cần phải nói, thì họ đã có thể làm việc để tự giải quyết vụ này”, bà Naurert nói.

Bà Nauert nói Bộ Ngoại giao khuyến khích “tất cả các bên giảm leo thang căng thẳng và đối thoại trên tinh thần xây dựng”.

Hiện chưa có bình luận của Ả Rập Saudi và UAE. Ông Meshal Hamad al-Thani, Đại sứ Qatar tại Mỹ, hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, tin tưởng Mỹ có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng.

Các yêu sách đối với Qatar

Một quan chức Mỹ nói Washington đang yêu cầu Qatar thực hiện những bước hạ nhiệt cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, bao gồm ký tham gia những đề xuất do Bộ Tài chính Mỹ soạn, nhằm củng cố việc kiểm soát sự hỗ trợ tài chính cho những tổ chức khủng bố. Nhưng vị này cùng một quan chức Mỹ khác nói rằng không riêng gì Qatar, Ả Rập Saudi, UAE và các nước vùng Vịnh cũng đối mặt với những thách thức chống tài trợ khủng bố.

Dự kiến tuần tới, Ngoại trưởng Qatar sẽ đến Washington. Ông tuyên bố Qatar sẽ không đàm phán với các nước láng giềng để giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh nếu họ không dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và đi lại đối với Qatar.

Ả Rập Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain đều tuyên bố biện pháp bao vây ngoại giao - kinh tế Qatar có thể kéo dài nhiều năm, trừ phi Qatar chấp nhận những yêu sách mà các thế lực Ả Rập dự tính sẽ công bố trong vài ngày tới.

Đại sứ UAE tại Mỹ nói các yêu sách đối với Qatar đang được soạn và sẽ sớm gửi cho Mỹ xem. Ông nói các yêu sách bao gồm việc Qatar chấm dứt tài trợ khủng bố, không can thiệp vào nội tình các nước khác, không dùng các diễn đàn truyền thông nhà nước Qatar để công kích các nước vùng Vịnh.

Theo báo Guardian, vài ngày trước khi Qatar bị cấm vận, hãng thông tấn nước này bị tấn công mạng và xuất hiện một bài báo ngày 23.5, dẫn lời lãnh đạo Qatar thắc mắc “liệu ông Trump giữ chức được bao lâu”, cổ vũ quan hệ thân cận với Iran và ủng hộ phong trào vũ trang Hamas ở Palestine. Bài báo là một trong những lý do để Ả Rập Saudi, UAE trừng phạt Qatar. Ai Cập và Bahrain cũng cắt quan hệ với Qatar.

Ngày 20.6, Công tố viên trưởng Qatar tuyên bố vụ tin tặc tấn công mạng này là từ các nước áp đặt lệnh trừng phạt Qatar. Công tố viên trưởng Ali Bin Fetais al-Marri nói với các nhà báo: “Qatar có bằng chứng một số iPhone từ các nước bao vây Qatar đã được sử dụng cho vụ tấn công mạng này”. Ông không nói nước nào, nhưng một cuộc điều tra của Cục điều tra liên bang (FBI) của Mỹ được cho là đã điểm mặt các tin tặc Nga được các nước vùng Vịnh thuê.

Vụ khủng hoảng ở vùng Vịnh chỉ là một trong nhiều vấn đề mà hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ xem ra đi theo đường hướng khác với Tổng thống Mỹ.

Quan điểm trái ngược này là rõ ràng trong những vấn đề liên quan đến Nga. Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đều nhấn mạnh phải giữ nguyên sự trừng phạt Nga, với lý do Nga can thiệp quân sự ở Ukraine và sáp nhập Crimea. Họ cũng có được sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đang lẳng lặng tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga, theo Guardian.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/bo-ngoai-giao-my-thang-thung-chi-trich-a-rap-saudi-ve-viec-cam-van-qatar-65536.html