Bổ nhiệm người bị kỷ luật do thiếu người?

Quyết định kỷ luật ký chưa ráo mực, thì cựu Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh lại bất ngờ được 'điều động và bổ nhiệm' làm Giám đốc Sở Công Thương của tỉnh.

Do hàng loạt vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, trong đó vi phạm của ông Phạm Văn Tám (Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh giai đoạn 2011-2016) được xác định là nghiêm trọng, ông Tám đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) Trung ương thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và UBND tỉnh Trà Vinh cũng kỷ luật về mặt chính quyền.

Ấy nhưng, quyết định kỷ luật ký chưa ráo mực, thì ông Tám lại bất ngờ được ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký quyết định “điều động và bổ nhiệm” làm Giám đốc Sở Công Thương của tỉnh.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, Tỉnh ủy Trà Vinh lại thêm một lần gây bất ngờ khi ông Lâm Minh Đằng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết: “Căn cứ Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; cán bộ đảng viên bị kỷ luật với hình thức khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm, quy hoạch ở chức vụ cao hơn. Riêng trường hợp của ông Tám, bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, vẫn còn giữ chức vụ Trưởng BQL Khu kinh tế. Đây chỉ là thực hiện “điều động ngang” vì chức Trưởng BQL Khu kinh tế tương đương với chức Giám đốc Sở Công Thương.”

Rõ ràng là với việc bổ nhiệm ông Phạm Văn Tám cùng cách lý giải theo kiểu “lách” Quy định 105, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đang làm không đúng Kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp thứ 28 diễn ra vào cuối tháng 7.2018.

Với hàng loạt vi phạm lớn của Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, UBKT Trung ương khẳng định: “Những vi phạm đã làm thất thu lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, đến niềm tin của nhân dân, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật". Đặc biệt, trong các vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, ông Tám được xác định là “vi phạm nghiêm trọng”, tức là góp phần không nhỏ làm “ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, đến niềm tin của nhân dân”.

Với kết luận “2 năm rõ 10” này, lẽ ra, Tỉnh ủy Trà Vinh phải áp dụng theo Quy định 102 của Bộ Chính trị ngày 15.11.2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm là: “Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi việc”.

Ông Phạm Văn Tám (giữa).

Bởi không lẽ, với hàng loạt vi phạm tác động xấu đến quyền lợi người dân, đến uy tín của Đảng và chính quyền như vậy, mà lãnh đạo tỉnh Trà Vinh vẫn cho rằng ông Tám còn đủ uy tín và xứng đáng để tiếp tục giữ “ghế”, thậm chí còn bổ nhiệm làm Giám đốc Sở một ngành để quản lý nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh?

Một người đã được kết luận là “vi phạm nghiêm trọng” đến mức bị cảnh cáo cả về Đảng lẫn chính quyền là không còn đủ tư cách ngồi ở vị trí lãnh đạo để chỉ huy những người không vi phạm nữa. Cũng không còn mảy may niềm tin ở công chúng nữa để đưa ra những quyết sách tác động đến đời sống của bao người dân địa phương. Làm sao có thể tin vào luật pháp, vào chính quyền khi mà những người bị kỷ luật vẫn chỉ đạo, lãnh đạo những người trong sạch làm việc?

Đó là sự thật hiển nhiên ai cũng biết, vậy mà lãnh đạo tỉnh Trà Vinh vẫn bổ nhiệm người vừa nhận án kỷ luật thì không hiểu người dân địa phương biết trông cậy vào đâu! Vì thế, việc viện dẫn Quy định 105 của Bộ Chính trị theo hướng “lách luật”, rồi lờ Quy định 102 của Bộ Chính trị để bổ nhiệm một người vừa bị kỷ luật đã cho thấy lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cố tình “lập lờ đánh lận con đen” và coi thường Kết luận của UBKT Trung ương cũng như coi thường những người dân ở địa phương.

Đại diện Tỉnh ủy Trà Vinh còn giải thích việc bổ nhiệm là do “đang thiếu người nghiêm trọng” nghe càng thật buồn cười, khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Không lẽ, Trà Vinh chỉ còn toàn những người vi phạm nhiều hơn ông Phạm Văn Tám chăng?

Tình trạng cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật nhưng thay vì bị giáng chức như tinh thần của hình thức kỷ luật thì lại được “bật” lên cao hơn, hoặc tối thiểu là đưa “sang ngang” đã và đang diễn ra, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực đang rất quyết liệt, khi mà chính những người lãnh đạo còn không gương mẫu trong thực thi pháp luật.

Trà Vinh đang là “bản sao” của Cần Thơ trước đây vài tháng. Ông Lư Thành Đồng - nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, do để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới vi phạm, đã bị cảnh cáo về mặt Đảng và cách chức, nhưng lại được bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và khu chế xuất của tỉnh Cần Thơ.

Trường hợp ông Phạm Văn Tám ở Trà Vinh và ông Lư Thành Đồng ở Cần Thơ có gì khác nhau đâu? Cùng thời điểm với Cần Thơ, tỉnh An Giang cũng điều động ông Men Pholly - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tri Tôn giữ chức Trưởng ban Dân tộc tỉnh sau khi ông này bị kỷ luật cảnh cáo Đảng do nhiều vi phạm.

Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, phía sau việc bổ nhiệm cán bộ bất thường như thế là gì, vì sao người ta lại “cố đấm ăn xôi” như vậy?

Thiết nghĩ, việc bổ nhiệm ngay những người vừa bị kỷ luật vào các vị trí lãnh đạo khi họ đã không còn đủ tư cách ngồi ở vị trí đó nữa như là một sự thách thức dư luận, làm xói mòn lòng tin của người dân. Vì thế, đừng vòng vo giải thích, “vận dụng linh hoạt” nữa, vì quy trình, quy định nào cũng không bằng liêm sỉ của người lãnh đạo.

Thanh Hằng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-nhiem-nguoi-bi-ky-luat-do-thieu-nguoi-923135.html