Bộ NN&PTNT lên tiếng vụ trâu bò ăn cỏ ở đồng phải đóng phí

Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nêu rõ, việc người dân xã Thiệu Dương, TP thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chăn thả trâu bò trên cánh đồng không phải là tài sản của hợp tác xã (HTX) nên việc thu phí như thời gian vừa qua là hoàn toàn sai phạm và không được pháp luật cho phép.

Người dân Thiệu Dương phải đóng 100.000 đồng phí đồng cỏ và 300.000 đồng tiền thế chấp/năm mới được chăn trâu bò ra đồng. Ảnh: Hoàng Lam

Người dân Thiệu Dương phải đóng 100.000 đồng phí đồng cỏ và 300.000 đồng tiền thế chấp/năm mới được chăn trâu bò ra đồng. Ảnh: Hoàng Lam

Phải hoàn trả tiền cho dân trước ngày 30/4

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là người bạn của nhà nông, thế nhưng tại Thiệu Dương, TP Thanh Hóa đã diễn ra sự việc vô cùng phi lý khi người dân phải nộp phí nếu muốn trâu gặm cỏ trên cánh đồng quê hương.

Mặc dù sự việc gây bức xúc trong nhân dân xảy ra ngay tại một địa bàn nằm sát sườn thành phố, thế nhưng lãnh đạo địa phương lại không hề hay biết cho đến khi thông tin được phản ánh trên báo chí. Cụ thể, việc thu phí này do HTX dịch vụ Minh Anh (xã Thiệu Dương) đứng ra thực hiện. Cụ thể, mức phí đồng cỏ là 100.000 đồng/con/năm; thế chấp tiền chăn thả gia súc, gia cầm thu theo từng mức độ khác nhau. Hộ có 1 đến 3 con trâu, bò thu 300.000 đồng; từ 3 đến 5 con, mức thu 500.000 đồng; từ 5 đến 10 con thu 1.000.000 đồng và hộ từ 10 con trở lên thu 2.000.000 đồng.

Sau khi kiểm tra, UBND TP Thanh Hóa đã có kết luận về vụ việc chăn thả trâu, bò phải mất phí đồng cỏ tại xã Thiệu Dương. Theo báo cáo, khoản thu phí trâu bò ra đồng gặm cỏ do HTX dịch vụ Minh Anh thu trên cơ sở họp thống nhất với 13/15 hộ dân chăn thả trâu, bò với số lượng 100 con nhằm thế chấp cho việc đảm bảo không để gia súc phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân.

Theo thỏa thuận, khoản tiền này được trả lại cho các hộ trong trường hợp các hộ không còn chăn nuôi và khi chăn thả gia súc không gây thiệt hại lúa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Việc trả lại tiền thế chấp được thực hiện sau mỗi vụ sản xuất. Trường hợp các hộ chăn thả gia súc gây thiệt hại, HTX sẽ mời các bên liên quan dùng số tiền thế chấp bồi thường cho các hộ có hoa màu bị hư hại.

Trước phản ánh trên báo chí là đúng và việc HTX dịch vụ Minh Anh thực hiện thu phí trái với quy định của pháp luật, UBND TP Thanh Hóa đã yêu cầu HTX này phải hoàn trả lại cho dân trước ngày 30/4.

Ngoài ra, UBND TP Thanh Hóa yêu cầu UBND xã Thiệu Dương và các phường, xã khác trên địa bàn rà soát, báo cáo về việc thu phí, lệ phí, nghiêm cấm thu các khoản đóng góp trái với quy định. Điều đáng nói, ngoài việc yêu cầu trả lại tiền cho dân, dừng thu phản cảm trái quy định trên, thì trong nội dung báo cáo này không hề đả động đến trách nhiệm của cá nhân hay tập thể nào có liên quan vụ việc.

Cần giải quyết sự việc một cách hợp lý

Không chỉ đóng phí cỏ 100.000 đồng/năm, người dân phải thế chấp tiền theo số lượng trâu bò.

Ngày 24/4, thông tin đến báo chí, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (KTHT&PTNT - Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã nhận được báo cáo từ Chi cục về vụ việc hi hữu này.

Theo như tìm hiểu của cục KTHT&PTNT, HTX dịch vụ Minh Anh ở xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa do ông Dương Đình Minh làm giám đốc đã quy định thu hai loại phí. Nếu hộ dân nào muốn nuôi trâu bò và chăn thả ngoài đồng thì phải đóng phí 100.000 đồng/con/năm, gọi là phí “đồng cỏ”.

Khoản thu này để sử dụng khi trâu bò phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân. Khoản thu này cũng đã đạt thành thỏa thuận trước với một số hộ dân và nhận được sự đồng ý, sau đó mở rộng áp đặt chung cho tất cả thành viên của HTX, người dân địa bàn xã Thiệu Dương theo một dạng hương ước của làng ngày xưa.

Được biết, quy ước của HTX Minh Anh đưa ra chỉ là một văn bản đóng dấu bản sao do HTX tự lập từ tháng 1/2018 để yêu cầu người dân phải thực hiện việc đóng phí. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Thiệu Dương có 19 hộ có máy gặt, máy lồng đều đã đóng tiền thế chấp. Có 19 hộ dân phải đóng phí cho trâu, bò khi chăn thả ngoài đồng.

Như vậy, theo ông Trung, cá nhân ông Minh và HTX dịch vụ Minh Anh khi thu phí đồng cỏ đã đặt ra hai vấn đề. Ông Minh thu phí đồng cỏ để đền bù khi trâu bò gây ra những thiệt hại hoa màu nhưng lại không đủ thẩm quyền để xử lý, đền bù những thiệt hại xảy ra. Đây là phạm vi xử lý thuộc thẩm quyền của chính quyền sở tại như xã hoặc thôn căn cứ vào hương ước đã có từ trước để người dân tự xử lý.

Thực chất, người dân xã Thiệu Dương chăn thả trâu bò trên cánh đồng thuộc địa bàn xã mà HTX dịch vụ Minh Anh thu phí là đất của Nhà nước, không thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hay tổ chức nào. Chính vì vậy, đây không phải là tài sản của cá nhân ông Minh hay HTX dịch vụ Minh Anh nên việc thu phí “đồng cỏ” được quy định như trên hoàn toàn sai phạm, không được pháp luật cho phép.

“Theo quy định của pháp luật, việc thu phí này hoàn toàn không đúng. Nếu ông Minh không hiểu thì cần giáo dục, vận động. Nếu ông Minh thu theo mục đích cá nhân với tính chất tham nhũng thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Quan điểm của tôi, ai sai đến đâu phải xử lý đến đấy. Sau khi giải quyết xong sự việc, ông này phải bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, không thể để tái diễn sự việc như vậy”, ông Trung nói và cho biết Cục đã thông báo, đề nghị chi cục Phát triển nông thôn phải kiểm tra, tư vấn cho phía chính quyền và HTX dịch vụ Minh Anh để giải quyết sự việc một cách hợp lý. Nếu phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý triệt để.

Chính quyền cấp cơ sở quản lý lỏng lẻo

Nói về vấn đề trên, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nguồn gốc sâu xa cũng do lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, xem thường pháp luật, nhận thức pháp luật chưa đến nơi đến chốn. “Và nói thẳng là vấn đề quản lý của chính quyền cấp cơ sở cũng lỏng lẻo. Nhiều khi chính quyền cấp cơ sở cũng có thể tiếp tay hoặc né tránh để cho người ta thực hiện. Lấy cớ rằng có thỏa thuận với dân, dân tự nguyện. Như thế chẳng khác gì lãnh đạo xã bật đèn xanh cho vi phạm”, ông Cuông nói.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bo-nnptnt-len-tieng-vu-trau-bo-an-co-o-dong-phai-dong-phi-20180426070024038.htm