Bộ Nông nghiệp bác đề nghị chuyển đổi 1.800ha rừng Thái Nguyên

Bộ NN-PTNT yêu cầu, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh.

Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Nghị quyết số 51 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 của tỉnh Thái Nguyên. Nghị quyết này cho biết tổng diện tích đất rừng đặc dụng của tỉnh Thái Nguyên là 43.360 ha.

Dù vậy, đến ngày 23/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình số 128 gửi Bộ NN-PTNT đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng 1.851 ha. Trong đó chuyển 30,95 ha rừng tự nhiên sang quy hoạch rừng phòng hộ, chuyển 1.703 ha rừng tự nhiên sang rừng sản xuất và chuyển hẳn 117 ha rừng tự nhiên ra ngoài quy hoạch rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đề xuất đưa 1.725 ha rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc vào quy hoạch rừng đặc dụng với lý do để bảo vệ cảnh quan Hồ Núi Cốc.

Văn bản trả lời của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Trong văn bản trả lời UBND tỉnh Thái Nguyên vào tháng 11/2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị tỉnh Thái Nguyên không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên.

Theo Bộ NN-PTNT, tháng 8/2017, tại Nghị quyết 17 Chính Phủ đã ban hành Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó có nội dung yêu cầu UBND các tỉnh, TP thực hiện việc không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định) giao Bộ NN-PTNT ban hành cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Quy định về việc dừng khai thác chính gỗ rừng tự

Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT kiểm tra, giám sát, chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Và giao UBND các tỉnh phải thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và "hợp thức hóa" quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật.

Vì vậy, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng diện tích quy hoạch rừng đặc dụng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020). Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Thái Nguyên không chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu.

Trong trường hợp chuyển sang mục đích khác thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Việc đưa loại rừng khác vào quy hoạch rừng đặc dụng cũng phải căn cứ tiêu chí rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 117/2010/ NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cho biết, tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là trên 197.294 ha, bao gồm: Đất rừng đặc dụng trên 40.261 ha; đất rừng phòng hộ 35.275 ha; đất rừng sản xuất 121.309 ha.

Tuy nhiên, theo số liệu từ văn bản của Bộ NN-PTNT cho thấy, so với chỉ tiêu sử dụng đất theo Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ, tổng diện tích 3 loại rừng của Thái Nguyên sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch cao hơn 18.420,3 ha và có sự sai khác đối với từng loại rừng.

Theo đó, đất rừng đặc dụng được tỉnh Thái Nguyên đề xuất thấp hơn trên 3.098 ha đối với quy hoạch nêu trong Nghị quyết số 51, thấp hơn 125,4 ha so với hiện trạng sử dụng đất rừng.

Không những thế, Bộ NN-PTNT còn phát hiện đất rừng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đề xuất thấp hơn 666 ha so với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và thấp hơn 9.292 ha so với hiện trạng sử dụng đất rừng của tỉnh này.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-nong-nghiep-bac-de-nghi-chuyen-doi-1800ha-rung-thai-nguyen-3370669/