Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cho cán bộ hải quan, khi thực hiện thí điểm một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu.

Kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp thu về một đầu mối. Ảnh: Tư liệu

Kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp thu về một đầu mối. Ảnh: Tư liệu

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã cho biết như vậy, khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN xung quanh đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

*PV: Thưa bà, liên tục trong 4 Nghị quyết số 19/NQ-CP (các năm 2015 - 2018); 2 Nghị quyết số 02/NQ-CP (2019 – 2020) và nhiều nghị quyết của Chính phủ đã nhấn mạnh tới yêu cầu cải cách quản lý hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Để chuyển sang thực hiện thí điểm một đầu mối về KTCN, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã triển khai như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Công tác cải cách KTCN đã được Bộ NN&PTNT thực hiện từ năm 2016, thông qua việc thực hiện Nghị quyết 19 và sau đó là Nghị quyết 02 về cải thiện môt trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm mặt hàng phải KTCN cũng như thống nhất một đầu mối kiểm tra đối với các mặt hàng nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra của hai cơ quan trở lên.

Cụ thể, tổng số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu KTCN trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT tính đến ngày 30/8/2020 là 1.768 dòng hàng (trước đây là 7.698 dòng hàng). Các mặt hàng thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn có nguồn gốc động vật/thực vật do cơ quan thú y/bảo vệ thực vật thực hiện về cả kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thay vì trước đó cơ quan thú y/bảo vệ thực vật thực hiện kiểm dịch nhưng kiểm tra chất lượng lại là Cục Chăn nuôi/Tổng cục Thủy sản…

Bà Nguyễn Thị Kim Anh

Bên cạnh đó, để cải cách KTCN, Bộ NN&PTNT đã thực hiện thay đổi cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mực độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, bộ đã đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện giao dịch nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp qua biên giới; thực thi các giải pháp đơn giản hóa thủ tục, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia… Bộ đã xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ KTCN.

Đến nay, ngành NN&PTNT có 1.007 tiêu chuẩn Việt Nam và 217 quy chuẩn Việt Nam, gồm các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của bộ; phục vụ KTCN có 483 tiêu chuẩn Việt Nam và 82 quy chuẩn Việt Nam.

*PV: Các bộ, ngành đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách toàn diện công tác KTCN. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Bà bình luận như thế nào về đề án này?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Bộ Tài chính đã xây dựng, chuẩn bị đề án này rất công phu, lấy ý kiến các bộ, ngành nhiều lần cũng như tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm của quốc tế.

Chúng tôi đánh giá cao về việc chuẩn bị đề án này của Bộ Tài chính để hướng tới mục tiêu là cải cách toàn diện công tác KTCN, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) cũng như góp phần nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

*PV: Để triển khai đề án có hiệu quả, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp như thế nào với Bộ Tài chính mà cụ thể là cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Để triển khai đề án có hiệu quả, tôi cho rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ và phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bởi vì, khâu đầu tiên để thực hiện công việc này là phải hoàn thiện về thể chế.

Việc thay đổi cơ quan đầu mối KTCN, thay đổi trình tự, thủ tục kiểm tra phải được thể hiện ở văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi các luật chuyên ngành như: Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm… lại chưa quy định về nội dung này. Do vậy, chúng tôi đánh giá, trong giai đoạn 1, cần thiết phải sửa các luật có liên quan thì mới thực hiện được rốt ráo các nội dung đề án đã xây dựng.

Bên cạnh đó, đề án nêu rõ cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Để thực hiện mục tiêu này cần phải có thời gian để nâng cao năng lực, bồi dưỡng cho đội ngũ những người làm công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu – đó là cán bộ hải quan tại cửa khẩu.

Về phía Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để hỗ trợ, đào tạo, nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cho cán bộ hải quan. Trong thời gian đầu, không chỉ Bộ NN&PTNT mà các bộ, ngành có liên quan đến kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng với cơ quan hải quan để thực hiện. Sau đó, chúng ta cần có đánh giá, rút kinh nghiệm để làm sao đạt mục tiêu là giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN nhưng công tác kiểm tra chất lượng vẫn được thực hiện tốt; tránh trường hợp khi hàng hóa vào rồi mà chất lượng của sản phẩm không được tốt, dẫn đến người tiêu dùng sẽ không được hưởng sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, để triển khai đề án, giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin rất quan trọng. Chúng tôi cũng thấy rằng khi đưa về Bộ Tài chính thông qua Tổng cục Hải quan để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì tất cả mặt hàng khi nhập khẩu sẽ thực hiện ở cửa khẩu và qua cơ quan hải quan. Lúc đó, việc nắm bắt số liệu khi nhập khẩu cũng rất quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý của các bộ quản lý chuyên ngành.

Vì vậy chúng tôi cũng đề nghị, phải xây dựng một phần mềm kết nối giữa Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan với các cơ quan quản lý chuyên ngành để các bên có thể cập nhật, chia sẻ thông tin, số liệu nhập khẩu hàng hóa hàng ngày, hàng tuần, tháng, quý, năm, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất…/.

*PV: Xin cảm ơn bà!

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-27/bo-nong-nghiep-se-phoi-hop-chat-che-voi-co-quan-hai-quan-92730.aspx