Bộ phận nào của ôtô dễ hư hại khi đi vào đường xóc?

Những cung đường nhiều ổ gà, đá dăm khiến các bác tài 'ngán ngẩm'. Bởi nhiều bộ phận của ôtô rất dễ hư hại khi di chuyển liên tục qua khu vực này.

Lốp xe

Là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường nên lốp xe là bộ phận dễ bị tổn thương và hư hại nhiều nhất khi xe di chuyển trên các đoạn đường gập ghềnh. Lốp xe có thể bị phồng rộp, rách, bẹp lốp do va chạm với các vật thể trên đường như đá dăm, đất đá.

Để di chuyển an toàn, tài xế được khuyên là nên bơm xe một cách phù hợp, không quá non hoặc quá căng.

Bánh xe là điểm chịu tác động lớn nhất khi xe bị sụp ổ gà.

Bánh xe là điểm chịu tác động lớn nhất khi xe bị sụp ổ gà.

Hệ thống ống xả

Vị trí của hệ thống ống xả là ở dưới gầm xe, do đó bộ phận này rất dễ bị va đập, gây méo, thủng, nhất là khi đi qua các cung đường xấu. Khi bộ phận này bị hỏng hóc, xe có thể phát ra tiếng ồn lớn cũng như “đẩy” một lượng lớn khí thải ra ngoài môi trường. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, hệ thống ống xả hỏng còn có thể gây ra hiện tượng khí thải trào ngược vào bên trong khoang cabin và gây ra mùi khó chịu.

Hệ thống treo

Khi xe di chuyển trên các đoạn đường xấu, hệ thống treo của xe sẽ có chức năng hấp thụ các xung động của mặt đường, nhờ đó giúp xe di chuyển mượt mà hơn. Tuy nhiên, hệ thống này cũng bị giới hạn về sức chịu đựng và cường độ. Khi xe thường xuyên di chuyển qua những đoạn đường gập ghềnh, nhiều ổ gà, hệ thống treo sẽ có thể gặp nhiều vấn đề như lỏng các khớp liên kết, hỏng thanh giảm chấn, thanh chống khiến chủ xe phải mất khoản tiền lớn để sửa chữa.

Khi xe di chuyển trên các đoạn đường xấu, hệ thống treo của xe sẽ có chức năng hấp thụ các xung động của mặt đường

Khu vực cụm bánh xe (la zăng, moay ơ,…)

Đây cũng là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề khi xe phải di chuyển trên các đoạn đường xóc, nhiều ổ gà. Một số hiện tượng có thể nhìn thấy rõ như méo vành, vênh vành, moay ơ bị lỏng trục,… Những hư hỏng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe mà còn gây mất an toàn cho người lái.

Thân xe

Khi di chuyển qua những cung đường xóc, các loại xe ôtô thân thấp sẽ có điểm lợi với biên độ dao động theo nhịp. Vì vậy, độ xung của xe thấp sẽ nhỏ hơn các mẫu xe gầm cao. Song nhược điểm của xe gầm thấp là mức độ va chạm, tổn thương khi đi vào đường xóc sẽ lớn hơn rất nhiều.

Một số bộ phận trên ôtô như gờ, cản xe cũng dễ bị hư hại khi gặp đường xóc, điều này làm mất giá trị thẩm mỹ của xe. Nếu vận hành xe gầm thấp bạn nên bình tĩnh xử lý, lái xe từ từ để hạn chế tối đa các va chạm không đáng có.

Bởi Thu Hà, Thứ ba lúc 08:00

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/bo-phan-nao-cua-oto-de-hu-hai-khi-di-vao-duong-xoc-6556.htm