Bỏ phố về làng, thu tiền tỷ

Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Anh, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã mạnh dạn đem giống bưởi mới về trồng trên đất đồi Yên Thế. Đến nay, sau 13 năm với hơn 6 ha bưởi, mỗi năm vợ chồng chị thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Mô hình đang được người dân địa phương nhân rộng.

Dịp này, vườn bưởi của gia đình chị Hoài Anh sắp đến ngày thu hoạch, cây nào cũng sai trĩu quả. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn cây, chị vừa kể, sinh ra và lớn lên ở Yên Thế, đến khi lấy chồng, chị cùng anh quyết định lập nghiệp tại Hà Nội với nghề buôn bán trái cây. Sau nhiều năm vất vả tích góp, anh chị đã có nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, trong quá trình đi lấy hàng, vợ chồng chị nhận thấy trồng cây ăn quả cho thu nhập khá cao. Nhớ đến đồng đất quê mình từng nổi tiếng với giống cam Bố Hạ nên hai vợ chồng có ý định về quê trồng cây ăn quả. Nghĩ là làm, năm 2005, anh chị quyết định dùng số tiền tích góp được mua một quả đồi rộng 2 ha ở xã Đồng Vương làm trang trại trồng bưởi Diễn.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Anh chăm sóc vườn bưởi

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Anh chăm sóc vườn bưởi

Có vườn đồi mới, anh chuyển về quê trồng, chăm sóc cây còn chị vẫn ở Hà Nội buôn bán. Đam mê với cây bưởi, nhiều hôm, sáng bán hàng ở Hà Nội, chiều tối chị lại bắt xe về quê cùng chồng làm vườn. Bưởi Diễn trồng tại đây hay bị sâu bệnh. Không nản lòng, mỗi lần, đi cắt trái cây thấy vườn bưởi đẹp hay xấu chị đều tỉ mỉ hỏi kỹ thuật chăm sóc để về áp dụng cho vườn nhà. Không phụ công người, 3 năm sau những cây bưởi diễn đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với tổng thu nhập hơn 15 triệu đồng.

Năm 2014, trong một lần lên Cao Phong (Hòa Bình) mua cam, chị Hoài Anh được một người bạn giới thiệu về giống bưởi đỏ Tân Lạc. Với ý định mở rộng vườn bưởi, chị không ngần ngại phi xe lên Tân Lạc (Hòa Bình) để tìm hiểu. Vào vườn, thấy những cây bưởi đỏ sai trĩu nặng, quả vàng rất đẹp, ăn thử thấy múi bưởi có màu đỏ hồng, mọng nước, ăn rất giòn ngọt và không bị đắng. Chị quyết định mang giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng thử trên đất đồi Yên Thế. Đôi vợ chồng trẻ lại tiếp tục mua thêm 4 ha đất đồi ở quê trồng giống bưởi đỏ Tân Lạc. Hợp đất giống cây trồng mới sinh trưởng, phát triển nhanh chóng, ít sâu bệnh, năm thứ 3 đã cho thu hoạch những trái đầu tiên. Quả bưởi đỏ Tân Lạc có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ vàng, chất lượng ngon, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để trong thời gian dài kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng nên đầu ra thuận lợi. Năm 2017, với 4 ha bưởi đỏ anh chị đã thu được 3 vạn quả, với giá bán 20 nghìn đồng/quả, thu về 600 triệu. "Bưởi đỏ trồng tại đây ra quả to, tép mọng nước, rất thơm ngon" - chị cho biết thêm. Năm nay, dự kiến vườn nhà chị thu khoảng 6 vạn quả, thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện bưởi đỏ đã được chủ vườn gắn tem truy xuất nguồn gốc; sản phẩm đang được tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng sạch, hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối. Để bảo đảm chất lượng quả vợ chồng chủ vườn mua đậu tương, cá nhỏ để ủ làm phân bón cho cây; đồng thời đào ao để dự trữ nước, xây dựng hệ thống tưới tiêu khép kín. Từ hiệu quả mô hình này, đến nay người dân trong thôn Trại Cả đã học tập và nhân rộng với tổng diện tích gần 12 ha giống bưởi đỏ.

Hoàng Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-pho-ve-lang-thu-tien-ty-111823.html