Bỏ qua Trung Quốc, Mỹ đến Đông Nam Á tìm cách kìm hãm Triều Tiên

Đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun sẽ tới Singapore và Myanmar, nơi có chìa khóa quan trọng giúp Mỹ cắt đứt một phần sức mạnh của Bình Nhưỡng.

Khi đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun của Mỹ thăm Myanmar trong tuần này, ông có thể sẽ cố gắng thuyết phục một đối tác quân sự lâu năm của Bình Nhưỡng cùng tham gia vào nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Đông Bắc Á.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn cho người đàn ông đã góp công lớn trong quá trình vận động trả tự do công dân Mỹ Otto Warmbier.

Đại sứ phụ trách vấn đề Triều Tiên của Mỹ - Joseph Yun.

Chuyến đi này được các nhà phân tích đánh giá là biểu tượng cho một chiến thuật quan trọng từ chính quyền của Trump. Đó là việc cắt giảm nguồn lực tài chính của Triều Tiên, dù các nguồn vốn này có nhỏ bé, hoặc bị che giấu kỹ đến đâu.

Trạm dừng chân đầu tiên của ông Yun sẽ là Singapore, nơi ông sẽ tham gia thảo luận tại diễn đàn đa phương về an ninh mang tên Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á.

Nhưng mục đích ẩn ở sau đó có thể là tìm tới các doanh nghiệp ở Singapore, vốn bị cáo buộc giúp Bình Nhưỡng “lách” trừng phạt.

Đồng minh ở Đông Nam Á

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2015, chính quyền quân sự ở Myanmar được cho là một trong những đối tác mua bán công nghệ vũ khí và vũ khí hàng đầu với Triều Tiên, theo bộ Tài chính Mỹ.

Số tiền mà Bình Nhưỡng thu về từ các bản hợp đồng mua bán này được cho là dùng để tăng cường các chương trình vũ khí trọng điểm như tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong nước.

Mặc dù không có quyền lực đầy đủ, quân đội Myanmar vẫn có ảnh hưởng đáng kể và có quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên trong những năm gần đây.

Việc cắt giảm các nguồn thu từ bên ngoài của Triều Tiên ngày càng trở nên quan trọng đối với chiến lược dài hơi của Mỹ, đặc biệt là sau vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công đầu tiên của Triều Tiên.

Mới đây, chính quyền Donald Trump đã cắt quan hệ tài chính giữa các ngân hàng của nước này và ngân hàng Đan Đông, với cáo buộc đơn vị tài chính của Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Bắc Á một cách bất hợp pháp.

Trong khi đó, một số báo cáo cho thấy, có công ty ở cả Singapore và Myanmar bị cáo buộc mua bán vũ khí từ Triều Tiên.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay cáo buộc công ty Pan Systems Pyongyang đã sử dụng một mạng lưới rộng khắp với nhiều đại lý, công ty và tài khoản ngân hàng nước ngoài ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Trung Đông, để vượt qua các rào cản trừng phạt, tiến hành các giao dịch liên quan đến vũ khí.

Tuy nhiên, một đại diện của Pan Systems tại Singapore hồi tháng 3 đã bác bỏ việc tổ chức này có liên kết với chi nhánh Bình Nhưỡng.

Theo bộ Ngoại giao Singapore, một trường hợp đáng chú ý khác là vào năm 2014, khi công ty vận chuyển Chinpo Shipping của Singapore bị buộc tội làm ăn phi pháp với công ty Quản lý Hàng hải Đại dương Triều Tiên, vi phạm các cam kết có trong lệnh trừng phạt quốc tế đối với quốc gia này. Chinpo sau đó đã nhận phải những hình phạt với tội danh trên.

Trước khi cuộc bầu cử tự do dẫn tới sự nắm quyền của bà Aung San Suu Kyi -nhà lãnh đạo Myanmar hiện tại, phe cánh quân đội ở quốc gia này vốn được coi là một trong những đồng minh chính của Triều Tiên. CNN dẫn một số nguồn tin nói rằng trước đây chính quyền quân sự của Myanmar đã từng mua lại công nghệ tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Anthony Ruggiero, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nghi ngờ rằng vẫn còn những nhân vật trong quân đội Myanmar muốn tiếp tục mối quan hệ trên: “Không rõ bà Aung San Suu Kyi kiểm soát được những ai, nhưng chỉ cần có một vài quan chức quân đội muốn tiếp tục thì mối quan hệ đó vẫn cứ tiếp diễn".

Mối quan hệ của Myanmar với Bình Nhưỡng chưa được chứng thực, nhưng các nhà phân tích cho biết, không phải ngẫu nhiên đại sứ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun của Mỹ lại có chuyến công du tới đây.

Bất lực với Trung Quốc

Với chuyến đi tới Singapore, Myanmar của ông Yun, Washington có khả năng sẽ gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng họ sẽ tăng cường tìm kiếm dấu vết hoạt động của quốc gia hạt nhân này tại những nơi như Đông Nam Á.

Các nhà quan sát cho rằng, mặc dù chiến lược của Washington có thể khiến Triều Tiên mất đi nguồn tài chính lớn, nhưng dường như nó không thấm vào đâu so với những gì họ có được từ đối tác kinh tế lớn nhất là Trung Quốc.

Theo số liệu của LHQ, Bắc Kinh chiếm khoảng 85% lượng hàng nhập khẩu của Bình Nhưỡng, cung cấp một nền tảng vững chắc cho kinh tế Triều Tiên.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về hoạt động thương mại với Triều Tiên, kêu gọi nước này gây thêm áp lực lên Chính phủ Kim Jong-un nhưng không thành công.

Ông Ruggiero đánh giá Bình Nhưỡng đang thu về hàng tỷ USD từ Trung Quốc, nhưng khoản tiền mà họ thu về từ Đông Nam Á cũng lên tới hàng triệu USD.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tu-bo-trung-quoc-my-den-dong-nam-a-tim-cach-kim-ham-trieu-tien-a332627.html