Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất tăng ngân sách kỷ lục trước đe dọa an ninh

Đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm 2020 tăng gần 8,3%, mức tăng cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, vì những thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản chiều 30/9 thông báo dự thảo ngân sách với tổng chi gần 51,9 tỷ USD. Mức chi tiêu ngân sách tăng khoảng 8,3% so với năm trước và là mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản kỳ vọng mức chi tiêu kỷ lục sẽ giúp lực lượng phòng vệ quốc gia củng cố năng lực đối phó những mối đe dọa mới, gồm cả an ninh mạng, ngoài không gian và chiến tranh điện từ, theo CNN.

 Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) được lên kế hoạch cải tiến để vận hành cả máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) được lên kế hoạch cải tiến để vận hành cả máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: Reuters.

Đuổi kịp tốc độ khu vực

Trong số các khoản chi quốc phòng được đề xuất, có 690 triệu USD sẽ được dùng cho việc mở rộng đơn vị vũ trụ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), phát triển hệ thống giám sát Phòng bị Tình huống Vũ trụ. Khoảng 340 triệu USD sẽ được huy động để xây dựng đơn vị phòng thủ mạng và thiết lập năng lực chiến tranh điện từ.

Đề xuất vẫn chờ quốc hội Nhật Bản phê duyệt vào cuối năm nay. Nếu dự thảo qua được ải quốc hội, ngân sách quốc phòng thường niên của Nhật Bản sẽ tăng liên tục 9 năm liên tiếp.

Theo Stephen Nagy, chuyên gia thuộc Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Cơ Đốc giáo Quốc tế (ICU) ở Tokyo, lần tăng ngân sách quốc phòng này sẽ giúp Nhật Bản bắt kịp tốc độ phát triển quân sự của những cường quốc khác trong khu vực. Nagy cho rằng Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cũng có mức tăng ngân sách tương tự cho lĩnh vực này.

Hồi tháng 5, Bắc Kinh thông báo tăng ngân sách quốc phòng khoảng 6,6%, nâng tổng chi tiêu quốc phòng lên 178 tỷ USD. Theo Nagy, số tàu Trung Quốc đóng mới mỗi năm còn nhiều hơn toàn bộ tàu trong biên chế các lực lượng vũ trang của Anh. Đầu tháng 9, Lầu Năm Góc cũng tung ra báo cáo khẳng định Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng và đã trở thành thách thức đáng gờm với Mỹ, đặc biệt về công nghệ tên lửa và quy mô hải quân.

"Kể từ năm 2000, mỗi năm Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng khoảng 10%. Việc Trung Quốc mở rộng dấu ấn quân sự của họ ở khu vực và toàn cầu đã thúc đẩy Nhật Bản tăng ngân sách", ông nhận định.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tổng chi tiêu có thể còn tăng cao hơn một khi Tokyo đưa ra được quyết định cuối cùng về phương án thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis. Kế hoạch ban đầu đã bị hủy vào tháng 6 vì giá cao.

Hệ thống đất đối không đánh chặn tên lửa PAC-3 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF). Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Siết chặt quan hệ với Mỹ

Heigo Sato, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Thế giới tại Đại học Takushoku, nhận định việc tăng ngân sách một phần nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Tokyo đồng thời muốn giảm sức ép từ Washington. Chính phủ Tổng thống Donald Trump thời gian qua đã kêu gọi Nhật Bản cùng các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng để san sẻ trách nhiệm phòng vệ.

"Kỷ nguyên không tăng ngân sách đã chấm dứt", ông nói.

Heigo Sato cũng lưu ý rằng dự thảo ngân sách quốc phòng lần này vẫn là di sản của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Việc gia tăng chi tiêu cho quân sự không phải là tín hiệu từ tân Thủ tướng Yoshihide Suga và những kế hoạch quốc phòng tương lai.

Trước tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, Nhật Bản đang ngày một siết chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 8, ông Taro Kono, khi đó còn là lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã cảnh báo Trung Quốc về viễn cảnh "trả giá đắt" nếu tiếp tục ngang ngược trên Biển Đông.

"Trật tự hàng hải tự do và mở tại Biển Đông có tầm quan trọng như tại mọi khu vực khác, và những gì diễn ra ở đây ... đều gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế", ông Kono nhấn mạnh.

Sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga nhậm chức, ông Taro Kono đã được điều động làm Bộ trưởng Cải cách Hành chính và Quy định trong nội các mới của Nhật Bản.

Trước khi xuất hiện thông điệp cứng rắn từ ông Kono, chính phủ Mỹ vào tháng 7 đã phê duyệt hợp đồng bán hơn 100 chiếc F-35, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, cho Nhật Bản. Washington khẳng định thỏa thuận bán vũ khí sẽ hỗ trợ "các mục tiêu an ninh quốc gia" của Mỹ.

Theo ông Nagy, với tình trạng nền kinh tế Mỹ chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19, Tokyo có thể nhận thêm sức ép về gia tăng chi tiêu quốc phòng và chịu trách nhiệm nhiều hơn trong cấu trúc an ninh Đông Á.

"Nhật Bản muốn gửi thông điệp rằng chúng tôi sẽ đứng ra gánh vác, tăng chi tiêu để chia sẻ và giữ Mỹ tiếp tục gắn kết với khu vực. Nhật Bản sẵn sàng thể hiện cam kết của mình với đồng minh", Stephen Nagy đánh giá.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-quoc-phong-nhat-de-xuat-tang-ngan-sach-ky-luc-truoc-de-doa-an-ninh-post1137059.html